Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ năm, 16/05/2024 07:05
TMO - Thời gian qua, các hoạt động về quản lý ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được triển khai chất lượng nước đã được cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô.
Nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 là khoảng 438.899 m3/ngày đêm. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 72%) của 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Hiện một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường, chất lượng nước vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phục vụ cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp.
Ngày 25/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày 09/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 315/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngay sau khi có Thông báo số 315/TB-VPCP, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được phân công.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp đi thị sát và làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về công tác xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay, các hoạt động về quản lý đã được thực thi, chất lượng nước đã được cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vẫn ở mức cao.
Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải. Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải”; “Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy; xây dựng Cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia trong đó có quản lý các thông tin nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống và hướng dẫn các địa phương cập nhật thông tin và chia sẻ dữ liệu cho các Bộ, ngành, địa phương; rà soát, xây dựng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với nước thải nhằm kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả ra môi trường nói chung và hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng...
Mức độ ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô.
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C05) và Công an 4 địa phương đã xử lý hàng trăm vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 28 tỷ đồng. Về phía các địa phương cũng đã chủ động việc tích hợp trong quy hoạch tỉnh các công trình xử lý nước thải tập trung. Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương đã có cùng đầu tư cơ sở hạ tầng. Tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh, thành có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng phát sinh nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi, do phần lớn cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định.
Đối với hoạt động thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, TP.Hưng Yên đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 6.300 m3/ngày đêm. TP.Hải Dương đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 13.000 m3/ngày đêm và đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án xây dựng đường ống thu gom tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải công suất 12.000 m3/ngày đêm. Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án, kinh phí đầu tư và thống nhất địa điểm xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Lương Tài.
TP.Hà Nội đã lập kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, An Lạc, Đông Dư, Phú Thị để xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất khoảng 70.000 m3/ngày đêm. Cùng với đó, TP.Hà Nội đã lắp đặt 1 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục trên sông Cầu Bây. Tỉnh Hải Dương đã lắp đặt 4 trạm và tỉnh Hưng Yên lắp đặt 4 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục. Các số liệu quan trắc được kết nối trực tuyến về Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng và các lưu vực sông nói chung.
Tuy nhiên, hiện nay, mức độ ô nhiễm ở hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô. Nguyên nhân là do lượng nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp không được thu gom, xử lý, vẫn xả thẳng ra sông. Do đó, các địa phương đề nghị Trung ương chỉ đạo bố trí các nguồn lực đầu tư cho các công trình xử lý nước thải tập trung, chú trọng ở các khu đô thị cũ nằm ven sông. Tăng cường phối hợp giữa các địa phương đầu nguồn và cuối nguồn, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Đặc biệt, các địa phương đề nghị Hà Nội – nơi đầu nguồn của hệ thống, xả thải trực tiếp ra sông, phải thực sự quyết tâm xử lý các nguồn gây ô nhiễm.
Hiện Cục C05, Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị xử lý hình sự các đơn vị cố tình vi phạm xả thải gây ô nhiễm để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình vi phạm, tái phạm. Đối với Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phải chủ động quan trắc, giám sát phát hiện các điểm ô nhiễm để đề xuất giải pháp xử lý. Hiện nay Bộ Công an đã và đang làm quyết liệt việc kiểm soát hành vi xả thải gây ô nhiễm ra hệ thống Bắc Hưng Hải, tuy nhiên đó chỉ là “phần ngọn” còn “phần gốc” vẫn phải là sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải; và cũng đến lúc phải công khai các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm…
Các khu công nghiệp tại các địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: NL.
Bộ TN&MT cho rằng, các địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm nhưng hiệu quả chưa cao, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các Bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Bộ trưởng đề nghị nếu cần thiết sẽ thành lập Ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dòng sông “chết”.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang sửa Nghị định 08 trên tinh thần sẽ có gần 70% thủ tục hành chính về cấp phép, đánh giá tác động môi trường.... được phân cấp cho địa phương. Bộ TN&MT sẽ ban hành kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường để khoanh vùng và có phương án giám sát đặc biệt (dùng ảnh viễn thám kết hợp số liệu quan trắc tự động) đối với những nguồn phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần sớm triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải, quy hoạch làng nghề, tránh tình trạng nêu lên nhưng không quyết liệt triển khai thực hiện và không chốt được thời gian đưa các công trình cải thiện môi trường vào sử dụng, giải quyết bức xúc của người dân.
Thu Giang
Bình luận