Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 16:01
Thứ ba, 14/06/2022 16:06
TMO - Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc từ cống xả thải chảy thẳng ra biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Theo người dân xóm Đại Hải (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), bãi tắm Thạch Hải với tiềm năng du lịch biển đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi nước thải sinh hoạt. Đáng nói, sự việc diễn ra suốt thời gian dài, đến nay chưa có biện pháp khắc phục.
Nước thải sinh hoạt từ hệ thống cống xả chảy thẳng ra môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc
“Nước thải từ các nhà hàng chảy thẳng về đây rồi đổ ra biển, chúng tôi bán ở đây khách vào quán không thể chịu được…”, chị Nguyễn Thị Êm (xóm Đại Hải, xã Thạch Hải) bức xúc chia sẻ.
Theo chị Êm, hàng năm vào mùa du lịch biển, bãi biển Thạch Hải đón rất nhiều lượt du khách đến tắm biển và ăn uống. Tuy nhiên, đi cùng với phát triển du lịch thì kéo theo hệ lụy về tình trạng ô nhiễm môi trường, do hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt chưa đảm bảo.
Nước thải màu đen kịt, cùng nhiều rác thải sinh hoạt phản cảm nằm ngay trên bãi tắm du lịch tiềm năng
Bên cạnh đó, bãi biển bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán của các hộ kinh doanh tại đây, nhiều hàng quán nằm cạnh cống xả thải hầu như vắng bóng khách, bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Theo ghi nhận của PV vào chiều 13/6, nước thải bắt nguồn từ các nhà hàng nằm hai bên bãi tắm, theo hệ thống cống thoát chảy ra môi trường, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Nước thải ô nhiễm chảy trực tiếp ra biển
Nguồn nước thải ở đây chủ yếu là nước sinh hoạt hàng ngày của các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, vào dịp hè, lượng khách về tắm biển rất đông kéo theo nước thải xả ra môi trường với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cứ ít ngày, nước thải kèm theo rác bẩn sinh hoạt ứ đọng lại rất nhiều ở khu vực cống xả thải tạo thành các vệt “đen ngòm” nằm lộ trên cát, rất phản cảm, người dân phải thu gom đưa đi xử lý.
“Hôi lắm, nếu không được xử lý, không còn ai dám đến tắm ở khu vực này nữa, nói gì đến phát triển tiềm năng du lịch…”, một người dân cho hay.
Tình trạng bãi biển Thạch Hải bị ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án xử lý
Trả lời Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hệ thống mương thoát nước tại bãi biển Thạch Hải làm trước đây chưa đảm bảo mới dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, địa phương đã làm tờ trình gửi huyện xin nguồn kinh phí để làm lại hệ thống mương thoát nước. Tuy nhiên, hiện tại nguồn ngân sách của huyện đang khó khăn chưa thể có hướng xử lý.
Theo ông Lâm, có khoảng 20 nhà hàng kinh doanh tại khu vực biển Thạch Hải, trong đó, nhiều nhà hàng đã có hệ thống xử lý nước thải riêng. Bên cạnh đó, nước thải tại một số nhà hàng chưa qua xử lý theo mương thoát nước chảy trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.
“Trước hết, các hộ phải chủ động lắng lọc, có phương án xử lý tạm thời, bằng cách xử lý tình huống như thế đã chứ chưa thể có cách gì khác”, ông Lâm nói.
Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại biển Thạch Hải
Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết, đơn vị nắm được thông tin và đã làm việc với xã, đang đề nghị xã đề xuất phương án xử lý.
Trong những năm gần đây, nhiều loại hình du lịch đang nở rộ ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với xu hướng và thực tế cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Tuy nhiên, trong các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về phát triển du lịch, nhiều chuyên gia nêu quan điểm e ngại sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên nếu công tác thu gom, xử lý chất thải từ các hoạt động du lịch chưa được chính các chủ cơ sở kinh doanh du lịch coi trọng.
Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, theo các chuyên gia, cần khuyến khích ứng dụng công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; khuyến khích và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường; thực hiện tốt quy hoạch về nguồn cung cấp nước sạch cho đô thị và các vùng nông thôn, nhất là các vùng du lịch, vùng kinh tế trọng điểm.
Nên khuyến khích phát triển du lịch bền vững bằng cách áp dụng “chính sách tiêu thụ xanh” và thực hiện quản lý tiết kiệm năng lượng ở các nhà hàng, khách sạn; quản lý chất thải với chiến lược 4R: Rethink (Suy nghĩ lại), Reuse (Tái sử dụng), Reduce (Giảm xả thải), Recycle (Tái chế)… Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong hoạt động du lịch.
Ngọc Ấn
Bình luận