Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Thứ tư, 05/10/2022 19:10
TMO – Ngành chăn nuôi, trồng trọt chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nền kinh tế, nếu chỉ quan tâm đến sản phẩm mà bỏ qua nguồn thải, phụ phẩm, thì những nguồn thải sẽ tích tụ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người dân.
Hiện nay, không ít hộ dân vẫn giữ thói quen bón phân hóa học vào đất. Điều đó dễ làm cho cấu trúc đất bị thay đổi. Nếu tiếp tục sử dụng phân bón hóa học, đồng ruộng sẽ mất dần độ phì nhiêu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gắn kết các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mục đích là nhằm giảm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.
Thực tế đang cho thấy, tại nhiều địa phương, các nguồn thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp chưa được tái chế sử dụng. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân trước hết là chính sách hướng dẫn về phát triển nông nghiệp theo hướng gắn kết (sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn). Mặt khác, các ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa nhiều, chưa được triển khai trên diện rộng; các chủ trang trại chưa có kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, gắn với xử lý nguồn thải, phụ phẩm phát sinh trong sản xuất. Nhận thức về lợi ích của việc chăn nuôi an toàn, tuần hoàn của một bộ phận nông dân hạn chế; tâm lý ngại thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ còn tồn tại, gây cản trở cho quá trình sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Nông phụ phẩm cần được coi là nguồn tài nguyên tái tạo.
Về giải pháp, giới chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển nông nghiệp theo hướng gắn kết (mô hình kinh tế tuần hoàn). Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch. Khuyến khích hoàn thiện các mô hình phát triển nông nghiệp trả lại tính hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Giơi chuyên gia khẳng định: Nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn là điểm khác biệt lớn với kinh tế nông nghiệp truyền thống. Do đó, ngành chức năng ở Trung ương và các địa phương cần tổng kết đánh giá đúng mức, từ đó rút kinh nghiệm và phát triển mô hình này hiệu quả hơn, mới tạo chuỗi sản xuất theo hướng mới.
Việt Nam có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu trên 41 triệu USD tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.
Theo số liệu thống kê của năm 2020, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%). Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Tú Quyên
Bình luận