Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Chủ nhật, 11/09/2022 19:09
TMO - Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hoả hoạn khiến hàng chục người chết; nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập, nhiều diện tích hoa màu bị nhấn chìm do mưa lũ. Chỉ trong ít ngày, Chính phủ ban hành 2 Cộng điện chỉ đạo khắc phục hậu quả hoả hoạn, thiên tai.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề nổi bật trong tuần (từ ngày 5/9 đến 11/9) được nhiều bạn đọc quan tâm liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
1. Hầm chui 118 tỷ đồng biến thành “ao”. Hôm 7/9, hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê, Đà Nẵng bất ngờ bị ngập nước, có đoạn sâu hơn nửa bánh xe máy. Nhiều người lỡ đi xuống hầm liền quay đầu, khiến giao thông hỗn loạn. Một số người quyết định băng qua và bị ngã. Hầm chui này nằm ở cửa ngõ phía tây trung tâm thành phố, lưu lượng giao thông lớn. Thời điểm xảy ra sự cố, Đà Nẵng mưa lớn. Giao thông tại nút giao khác mức này bị ùn ứ. Nhiều môtô chết máy, người dân phải dắt xe leo qua đoạn đường dốc. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, hầm chui Điện Biên Phủ bị ngập do hệ thống sensor (cảm biến) bơm tự động bị hỏng. Hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương được đưa vào khai thác từ tháng 11/2017. Hầm được đầu tư 118 tỷ đồng, tổng chiều dài 432 m, trong đó hầm kín dài 80 m, hầm hở 180 m và chiều dài đường dẫn 172 m. Được biết, hầm này đã nhiều lần bị ngập nước.
2. Đảo Cồn Cỏ đón thêm “thành viên” mới. Hai hộ gia đình với 7 người làm ngư nghiệp ra định cư lâu dài ở đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, nâng số dân trên đảo lên 82. Theo UBND huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), 2 hộ dân khai thác thủy sản quanh đảo Cồn Cỏ nhiều năm nay, có đơn tự nguyện di dân ra đảo định cư lâu dài, đáp ứng các điều kiện theo quy định, ngành nghề phù hợp với điều kiện ở đảo. Theo quy định, mỗi gia đình di dân ra đảo được cấp một ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất ở 200 m2, hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi, được vay 100 triệu đồng không thế chấp. Hiện đảo Cồn Cỏ có 21 hộ dân với 82 nhân khẩu.
3. Hà Nội nghiên cứu thí điểm làn đường cho xe đạp. Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, chính quyền Hà Nội đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại đô thị, các công trình đảm bảo cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Nhiều năm qua, Hà Nội thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện giữa ôtô, xe máy, xe thô sơ ở nhiều tuyến đường, nhưng chưa có làn riêng cho xe đạp. Thành phố cũng nhiều lần có kế hoạch cho thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Đến tháng 7, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Riêng xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của thành phố.
4. Phát hiện bãi chôn lấp chất thải nguy hại lớn tại Trà Vinh. Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) vừa phát hiện bãi chôn lấp chất thải nguy hại khoảng hơn 10.000 tấn của Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh. Theo đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) vừa kiểm tra Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh (tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), phát hiện một bãi chôn lấp chất thải nguy hại quy mô lớn. Bãi chôn lấp bao gồm cả nhà máy có diện tích là 3,4 ha. Lực lượng chức năng phát hiện lượng rác thải không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để và được chôn lấp với khối lượng khoảng hơn 10.000 tấn. Các mẫu chất thải, tro xỉ đang được cơ quan chức năng đưa đi phân tích, kiểm nghiệm.
5. Mưa lũ hoành hành tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung. Mơ lớn, kéo dài suốt 3 ngày qua (từ ngày 8-10/9) khiến nhiều địa phương trong khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung bị ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Mưa lũ nhấn chìm hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu của người dân, nhiều công trình bị hư hỏng…Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, gửi 14 tỉnh thành trực thuộc Trung ương và các Bộ, Ban, ngành liên quan. Theo nội dung công điện, những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Việc này ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai…
6. Cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng. Đám cháy lớn xảy ra vào đêm 6/9 tại quán karaoke nằm trên địa bàn TP. Thuận An, Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ cháy làm 32 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Từ ngày 6/9 đến 11/9 liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại nhiều địa phương. Cụ thể: Vụ cháy nhà dân tại Quốc lộ 13, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (1 người chết); vụ cháy quán bi-a tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; vụ cháy căn hộ chung cư trên địa bàn phường 16, quận 8, TP. HCM; vụ cháy tại dự án hoá dầu Long Sơn tại TP. Vũng Tàu; vụ cháy xưởng chăn ga (3 người thiệt mạng). Thủ tướng Chính phủ ký Công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân tại vụ cháy ở Bình Dương và gửi lời chia buồn tới gia đình 3 nạn nhân trong vụ cháy xưởng chăn ga xảy ra hôm 10/9.
7. Cam Lâm sẽ trở thành khu đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế. Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045. Theo đó, huyện Cam Lâm hình thành đô thị sân bay hiện đại. Nơi đây trở thành đô thị hạt nhân vùng, cùng với TP Nha Trang và TP Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong tạo thành một tổng thể hài hòa giữa giá trị truyền thống nội tại và tương lai, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu, trong đó phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như AI, năng lượng xanh. Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ tầm quốc tế và định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Thiên Lý – K. Hồng
Bình luận