Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Chủ nhật, 17/07/2022 20:07
TMO – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng; Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ; Tàu cá có 15 thuyền viên bị mất tích trên vùng biển Phú Quý…là những vấn đề nổi bật tuần qua (từ ngày 11/7 đến 17/7/2022).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần qua về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường được nhiều độc giả quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Trong chuyến công tác tại khu vực Đồng bằng sông Cử Long, Thủ tướng Chính phủ đã đến Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, tiềm năng rất lớn tuy nhiên thời gian qua chưa được đánh giá đầy đủ để có cách quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Trước đề xuất của tỉnh Hậu Giang quy hoạch nơi đây thành Khu du lịch sinh thái Quốc gia, Thủ tướng nói: Chuyến khảo sát hôm nay để có thêm thông tin, đánh giá trên cơ sở thực tiễn, từ đó nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo đảm sinh thái và bảo vệ rừng đặc dụng. Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800 ha, gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái; là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.
Trên 40 nghìn khách du lịch mắt kẹt ở Phú Quốc (Kiên Giang). Do thời tiết xấu (sóng to, gió lớn, không đủ điều kiện an toàn để tàu, thuyền xuất bến về đất liền) nên, trên 40 nghìn khách du lịch không thể trở về đất liền theo kế hoạch. Để hỗ trợ khách du lịch, UBND TP. Phú Quốc ban hành văn bản đề nghị các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch tạo mọi điều kiện hỗ trợ để khách du lịch yên tâm ở lại. Được biết, vào sáng 14/7, thời tiết khu vực Phú Quốc đã tốt dần lên, mọi hoạt động đi lại được diễn ra bình thường.
Tàu cá có 15 thuyền viên mất tích ngoài khơi. Một tàu cá mang số hiệu BTh 97478 TS (tỉnh Bình Thuận) cùng 17 thuyền viên ra khơi đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Trường Sa bị mất liên lạc trong suốt nhiều ngày qua. Tàu bị mất liên lạc do ông Bùi Văn Toàn 50 tuổi, trú phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết làm thuyền trưởng, xuất bến ra vùng biển Trường Sa đánh cá từ 21/6. Khi xuất bến, trên tàu cá có 17 thuyền viên, nhưng 2 thuyền viên do sức khỏe không tốt nên đã theo tàu khác quay về đất liền. Được biết đến chiều 16/7 vẫn chưa tìm thấy tàu cá này. Hiện lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
(Ảnh minh hoạ)
Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ. Văn bả số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022 nêu rõ, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo" nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ, thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Điều kiện kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị định số 46/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 32c điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, các cơ sở mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải có thiết bị, dụng cụ để bảo quản sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cung cấp; Nơi bày bán, kho chứa sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác; đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp; Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại; Biện pháp xử lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng…
Di dời trên 100 hộ dân vì cháy xưởng hóa chất. Xưởng hoá chất chứa clo tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. HCM bị cháy âm ỉ kéo dài suốt nhiều ngày qua khiến cây trồng, vật nuôi chết hàng loạt. Để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời tạm thời trên 100 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Huỳnh Công Luận, Phó chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho biết, đang phối hợp với các trưởng ấp thống kê thiệt hại tài sản, hoa màu của những hộ dân bị ảnh hưởng để yêu cầu công ty nơi xảy ra cháy bồi thường. Lực lượng chức năng đang tích cực xử lý ô nhiễm môi trường. Khi nào hoàn thành sẽ thông báo người dân về nhà ổn định cuộc sống.
Tỉnh Cà Mau thiệt hại nặng do thời tiết bất thường. Hơn 1.700 nhà bị sập, tốc mái; trên 550 ha lúa, hoa màu bị hư hại, 7 tàu cá bị chìm, sạt lở do thời tiết bất thường (lốc xoáy, triều cường), thiệt hại hơn 8,3 tỷ đồng. Đó là thống kê thiệt hại của các địa phương trong tỉnh Cà Mau về đợt thiên tai bất thường. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại tuyến đê biển Tây và diện tích lúa bị thiệt hại. Ông Hải yêu cầu địa phương cùng các đơn vị liên quan gia cố bờ đê; giúp dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, thu hoạch lúa, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Trong bài có sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp
P. Dung – H. Yến
Bình luận