Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Chủ nhật, 10/07/2022 19:07
TMO – Quốc hội đồng ý giảm thuế môi trường đối với xăng dầu; Xem xét hỗ trợ ngư dân vùng biển; Đường vừa làm xong đã sạt lở; Gần chục con gấu ngựa được cữu hộ…là những vấn đề nổi bật trong tuần (từ ngày 4/7 đến 10/7/2022).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần qua về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường được nhiều bạn đọc quan tâm.
1. Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế môi trường với xăng dầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Tại phiên họp, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao về việc cần thiết phải điều chỉnh giảm mức thuế môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay. Cụ thể, Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 11/7/2022.
2. Cứu hộ thành công bảy gấu ngựa. Bảy con gấu ngựa trưởng thành được nuôi nhốt tại một gia đình ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã được lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Những con gấu này được gia đình nuôi nhốt khoảng 20 năm nay và có đăng ký gắn chip theo dõi. Sau nhiều lần vận động, hộ gia đình này đồng ý giao nộp 7 con gấu trên.
3. Chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNN việc Hà Nội “cứ mưa là ngập”. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong cuộc họp HĐND TP. Hà Nội vào sáng 7/7, một số đại biểu nêu thông tin về việc Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Hoài Đức) đã chậm 10 năm, điều này có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước ở phía Tây Hà Nội không? Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời, Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được phê duyệt năm 2013, đã điều chỉnh năm 2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Vì vậy, dự án đang chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt, không phải chậm 10 năm. Các số thông số kỹ thuật của trạm bơm và cho rằng việc úng ngập khu vực phía Tây của Hà Nội thời gian qua một phần do Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chậm tiến độ, nhưng "không phải nguyên nhân cơ bản". Vì theo quy hoạch, một số trạm bơm lớn khác chưa được xây dựng. Hết năm 2018, Trạm bơm Yên Nghĩa đã xây dựng xong phần đầu mối, gồm trạm bơm, bể hút, bể xả, cống xả tiêu và đã đảm bảo tiêu úng.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ngắt lời, yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "không nói về công suất". Thay vào đó, cần làm rõ việc dự án bị chậm là do vướng mắc ở đâu, cam kết bao giờ xong, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nào…? (Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ - Ảnh dưới).
4. Đường ven sông Vàm Cỏ Tây vừa làm xong đã sụt. Tại Long An, tuyến đường liên xã huyện Vĩnh Hưng vừa làm xong đã bị sụt lở với chiều sâu khoảng 5 m, dài 60 m. Nguyên nhân khiến một đoạn của tuyến đường liên xã Tuyên Bình Tây – Vĩnh Bình là do đường nằm trên túi bùn của sông Vàm Cỏ Tây. Trước khi triển khai, đơn vị khảo sát khoan thăm dò một số vị trí nghi ngờ ở khu vực cầu nên không phát hiện nền đất yếu ở các điểm khác. Hiện, hai đầu đoạn đường đã được rào chắn để bảo đảm an toàn và triển khai khắc phục.
5. Đề xuất không làm đường qua khu sinh quyển thế giới. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xây đường xuyên rừng (khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai), đồng thời đề xuất tuyến mới kết nối TP. Đồng Xoài (Bình Phước) vào đường Vành đai 4. Trước đó, tỉnh Bình Phước khiến nghị xây cầu Mã Đà và quốc lộ 13C kết nối sân bay Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu triển khai theo phương án tỉnh Bình Phước đề xuất, dự án sẽ chạy xuyên qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển này.
6. Bộ GTVT chấp thuận khởi động lại dự án đường sắt Ninh Thuận – Lâm Đồng. Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chấp thuận thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (còn gọi đường sắt răng cưa) dài 84 km xây dựng năm 1932. Với đặc thù địa hình đồi núi, tuyến đường đi qua 5 đường hầm, hai cầu lớn, hai đèo cao Ngoạn Mục và D'ran phải sử dụng "bánh răng cưa". Dự án được kỳ vọng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
7. Nghiên cứu hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh. Động thái của Chính phủ trong bối cảnh số lượng tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%. Trước đó, để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.
(Trong bài có sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp)
TS
Bình luận