Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Chủ nhật, 25/09/2022 21:09
TMO – Xử lý nghiêm các tàu cá “3 không”; 6 con tê giác tại Nghệ An bị chết bất thường; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 4 tổng cục…là những vấn đề nổi bật tuần qua (từ 19/9 – 25/9).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần qua về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
1. Xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”. Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (Chương trình) vừa được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
2. Xem xét điều chỉnh tên gọi trong hồ sơ đề nghị công nhận di sản. Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp ngày 16/9/2022 tại Trụ sở Chính phủ về việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) là Di sản thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các địa phương để quyết định việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi của hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới phù hợp với phạm vi, ranh giới và tiêu chí đề cử; chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan kịp thời thông báo việc điều chỉnh này tới UNESCO theo quy định. Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị điều chỉnh tên gọi trong hồ sơ là: "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Côn Sơn, Kiếp Bạc" thay vì “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử”.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ còn 1 tổng cục. Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo quy định mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ còn 1 tổng cục thay vì 5 tổng cục như trước kia. Cũng theo cơ cấu mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị, gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.
4. Trồng "cây cô đơn" mới ở Hồ Tây thay thế cây “bị gãy”. Lãnh đạo phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết sẽ trồng một cây mới vào vị trí "cây cô đơn" ở bãi đất trống gần phủ Tây Hồ, ven Hồ Tây (Hà Nội) vừa bị gãy sau trận mưa dông chiều nay 20/9. Theo tìm hiểu, cây mới bị gãy là cây mọc tự nhiên từ lâu, không nằm trong quy hoạch cây xanh được trồng. Trước đó, ngày 15/6, mạng xã hội xôn xao hình ảnh "cây cô đơn" này đổ rạp một nhánh thân lớn, nghi bị đốn hạ. “Cây cô đơn” là một trong những điểm check-in nổi tiếng, thu đông khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ.
5. Sáu con tê giác tại Nghệ An bị chết bất thường. Sự việc xảy ra vào ngày 16/9 tại khu du lịch sinh thái huyện Diễn Châu, Nghệ An. Tuy nhiên, đến ngày 20/9 thông tin 6 con tê giác bị chết mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi con tê giác bị chết, nặng hơn 1,1 tấn. Đây là loại tê giác hai sừng, đưa từ Châu Phi về khu sinh thái này từ nhiều năm. Những ngày trước đó, 6 con vật được xác định khỏe mạnh bình thường, sống chung cùng một chuồng rộng cả nghìn mét vuông. Để xác định nguyên nhân chết, Công an Nghệ An đã lấy hơn 10 bệnh bệnh phẩm để phục vụ điều tra, hiện chưa có kết quả. Xác 6 con tê giác đã được tiêu hủy theo quy định. Ngoài 6 con này, tại khu sinh thái còn có 3 con tê giác hai sừng.
6. Đảo Phú Quý (Bình Thuận) hết xăng. Sáng 22/9, nhiều người đi xe máy trên đảo Phú Quý phải dắt bộ do không đổ được xăng. Đến các cửa hàng nhiên liệu, người dân đều được trả lời xăng không còn. Lực lượng chức ăng huyện đảo Phú Quý đã lập đoàn kiểm tra, xác định trong kho chứa của các doanh nghiệp trên đảo không còn xăng. Lượng hàng trữ trong kho đã hết sạch. Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân hết xăng ở huyện đảo Phú Quý do công ty đầu mối không cung cấp đủ đơn hàng đã đặt, gây nên tình trạng thiếu hụt tạm thời. Tuy nhiên, Chánh văn phòng cấp ủy huyện Phú Quý nói, nguyên nhân khiến xăng tại huyện đảo Phú Quý bị đứt nguồn cung là thời tiết xấu, tàu không thể di chuyển để nhập xăng dầu. Hiện tại, đã có 2 tàu đi nhận dầu và đang neo đậu trong cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu để chờ nhập hàng. Dự kiến, một tàu sẽ cập bến Phú Quý vào ngày 24/9, tàu còn lại sẽ về đến Phú Quý vào ngày 25/9. Trên đảo Phú Quý có 3 cửa xăng dầu đang hoạt động kinh doanh.
7. Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi. Sau 1 tháng thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng có "kết quả tích cực". Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở này đề xuất thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi từ 6/9 đến 31/12. Theo Sở Giao thông Vận tải, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào cao điểm sáng. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Mai Anh – Duy Phương
Bình luận