Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Chủ nhật, 12/06/2022 19:06
TMO – Trên 100 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam; hàng chục ha rừng ngập mặn tại Hà Tĩnh chết khô chưa rõ nguyên nhân; Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát “chào đón” đàn cò nhạn quý hiếm…là những vấn đề diễn ra trong tuần từ 6/6 – 12/6/2022). Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường bình chọn 7 vấn đề nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường được nhiều bạn đọc quan tâm.
Rạn san hô vịnh Nha Trang chết hàng loạt. Thời gian gần đây, nhiều du khách trong và ngoài nước đến Nha Trang và sử dụng các dịch vụ (tour) lặn biển khám phá trải nghiệm ngắm các rạn san hô dưới đáy vịnh Nha Trang. Tuy nhiên nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đã chết hàng loạt, chỉ còn cảnh hoang tàn, xơ xác. Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang có tổng diện tích khoảng 160km2, bao gồm 122km2 vùng nước xung quanh các đảo. Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây được ví như thiên đường san hô với hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm, ít nơi nào có được.
Đàn cò trên 1.000 con xuất hiện tại Lò Gò – Xa Mát. Những ngày gần đây, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) bất ngờ “chào đón” đàn cò nhạn quý hiếm với hơn 1.000 con bay đến trú ngụ, tìm kiếm thức ăn sau nhiều năm vắng bóng. Đây được cho là dấu hiệu tích cực đối với công tác cải thiện môi trường sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên.
TP. Sơn La chìm trong biển nước. Trận mưa kéo dài suốt nhiều giờ xảy ra vào tối ngày 6 đến sáng ngày 7/6 khiến nhiều điểm tại TP. Sơn La (Sơn La) ngập chìm trong biển nước. Nhiều tuyến đường ngập sâu, hàng loạt xe chết máy phải gọi cứu hộ. Mưa xối xả hiến các tuyến đường Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, 3/2 ngập gần một mét, nước tràn vào nhà dân. Nhiều điểm ngập sâu khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng, các phương tiện không thể di chuyển. Cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã điều thêm lực lượng công an, quân đội tham gia hỗ trợ di chuyển người, tài sản của người dân đến nơi an toàn.
Làm đường “bức tử” cây xanh. Nhiều cây xanh trên chục năm tuổi quanh Khu di tích lịch sử đình Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau bị chết khô, sau khi địa phương làm đường và kè. Đây là những cây xà cừ cao 4-6 m, 30-40 cm trên tuyến đường ở Khu di tích lịch sử đình Tân Hưng. Đơn vị quản lý khu di tích đình Tân Hưng cho biết khi đơn vị thi công làm đường đã đổ bê tông kín vỉa hè, bịt kín các gốc cây. Bảo tàng phản ánh việc này có thể sẽ gây chết cây, nhưng không được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho biết đường và bờ kè trước đình được làm hơn hai năm qua. "Cây chết do một phần thi công tráng đường; một phần do Ban quản lý đình Tân Hưng không phản ánh kịp thời".
Hót bùn đất trên đường vành đai 3. Hơn 200 m đường dẫn lên Vành đai 3 bị các đối tượng dùng xe tải đổ trộm bùn đất buộc cảnh sát giao thông phải cấm đường để dọn dẹp. Sự việc xảy ra vào sáng 8/6 tại vị trí nhánh dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo quan sát, lượng bùn đất do các đối tượng đổ trộm rất lớn, có những vị trí bùn đất cao lên đến gần 50 cm. Hiện lực lượng chức đang đang truy tìm đối tượng.
Gắn biển “Cây Di sản Việt Nam” cho 107 cây cổ thụ. Quần thể chè cổ thụ hàng hàng trăm năm tuổi tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là quần thể Cây Di sản Việt Nam. Lễ đón Bằng công nhận và gắn biển “Cây Di sản” được chính quyền huyện Vân Hồ tổ chức vào ngày 8/6 vừa qua. Trước đó, huyện Vân Hồ gửi hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản đối với quần thể trên 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn. Sau khi tổ chức khảo sát, thẩm định, đánh giá phân tích, các nhà khoa học Hội đồng Cây Di sản Việt Nam lựa chọn 105 cây đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản, số cây còn lại được đưa vào danh mục cần được bảo tồn. Mới đây, 2 cây Trôi và Muỗm cổ thụ gần 500 tuổi tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản.
Quảng Ngãi công bố hàng loạt sai phạm trong khai thác tài nguyên; Hành chục ha rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh chết chưa rõ nguyên nhân Ngày 10/6, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ kiểm điểm của tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, đồng thời đề xuất hình thức xử lý, kiểm điểm cán bộ. Theo kết luận thanh tra, từ 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh 40 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, hai giấy phép được cấp khi doanh nghiệp không có ngành nghề đăng ký kinh doanh này. 16 doanh nghiệp thành lập trên một năm nhưng hồ sơ xin cấp phép (khai thác khoảng sản) không có văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu. 14 mỏ đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày giấy phép hết hiệu lực nhưng doanh nghiệp chưa nộp đề án đóng cửa mỏ. Những sai phạm nên trên lại không được Sở Tài Nguyên và Môi trường phát hiện, kịp thời xử lý.
Tại Hà Tĩnh, Rừng ngập mặn, phòng hộ dọc ven biển xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được trồng từ những năm 1993-1994. Ngoài vai trò tạo cảnh quan môi trường sinh thái ven biển, rừng ngập mặn còn là nơi trú ẩn cho tàu thuyền của ngư dân, chắn sóng, triều cường, bảo vệ tuyến đê biển Hải Hà Thư. Theo tìm hiểu, rừng ngập mặn khu vực này phát triển xanh tốt, rậm rạp. Tuy nhiên, những năm gần đây, không rõ nguyên nhân gì khiến cây chết hàng loạt và đang có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, số diện tích cây bị khô héo, chết ngày càng nhiều.
(Trong bài có sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp).
TS
Bình luận