Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Chủ nhật, 05/06/2022 19:06
TMO – Xử lý nghiêm những đối tượng gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hà; nhiều ngày sau đợt ngập úng do mưa lớn, nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn mênh mông nước; cả xóm rủ nhau đi bắt cá…là những vấn đề thu hút sự quan tâm trong tuần (từ 30/5-5/6).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (TMO) bình chọn 7 vấn đề nổi bật trong tuần liên quan đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường được độc giả quan tâm nhiều nhất.
1. Xây bể ngầm chứa nước ngập. Bên hành lang Quốc hội vào sáng 30/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Nội nên xây hệ thống bề ngầm chứa nước chống ngập bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do thời tiết dị thường, mưa lớn cực đoan, thứ hai là do hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn. Trước đó, Hà Nội xuất hiện trận mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ khiến nhiều khu vực ngập sâu, giao thông rối loạn. Chia sẻ trên của Bộ trưởng Hà đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tại một diễn biến khác, trong phiên thảo luận Quốc hội vào chiều 2/6 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận chia sẻ, dù các cấp, các ngành đều biết, được đề cập nhiều nhưng năm tháng trôi qua, quy hoạch treo vẫn "trơ cùng tuế nguyệt", gây lãng phí. Ông nói, quy hoạch treo, dự án treo là vấn đề "biết rồi nói mãi, nhưng không nói không được".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (bên trái) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận.
2. Trụ sở bỏ hoang. Sau khi sáp nhập vào Trà Bồng (Quảng Ngãi), nhiều nơi làm việc của huyện Tây Trà trị giá hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang, người dân tận dụng nuôi gà, vịt, bò. Ảnh: Phạm Linh
3. Bước đầu tìm ra nguyên nhân sụt lún đất ở Nghệ An. Đại diện Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ nhận định, nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc sụt lún, xuất hiện "hố tử thần" là do tụt mạch nước ngầm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhận định, kết quả điều tra ban đầu, còn nguyên nhân do đâu mà mạch nước ngầm bị tụt cũng như việc còn có nguyên nhân khác nữa hay không thì đơn vị này đang khoan lấy mẫu nghiên cứu, xác minh làm rõ. Trước đó, từ năm 2020 đến nay trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An liên tục xuất hiện tình trạng sụt lún đất “hố tử thần” và hàng trăm giếng nước bỗng dựng cạn trơ đáy khiến người dân bất an.
4. “Cứu cua”. Cơn mưa lớn kéo dài khiến Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TP. HCM) bị ngập sâu, theo dòng nước, cua bò vào trong bệnh viện, “tìm” đến phòng cấp cứu và bị nhân viên y tế phát hiện bắt được.
5. Cả xóm rủ nhau đi bắt cá. Hàng năm, cứ vào tháng 5, người dân xóm Cát, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) lại rủ nhau đi quăng lưới, bắt cá ở đập Đẻo, sau đó chia đều cho tất cả các gia đình trong xóm. Cá chuyển lên bờ được phân loại, xếp thành hàng ngay ngắn và chia đều từng phần, khoảng 6-7 kg cho mỗi gia đình. Mọi người tự giác lấy phần của nhà mình, không ai so kè nhiều ít, thiệt hơn.
6. Xử lý ngay các đối tượng gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan xử lý ngay các đối tượng, các cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Động thái quyết liệt của Chính phủ trong bối cảnh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
7. Nhiều nhà dân vẫn ngập nước. Một tuần sau trận mưa khiến nhiều khu vực bị chìm trong bể nước, đến nay, một tuần đã trôi qua nhưng hàng trăm nhà dân (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn ngập sâu khiến đời sống người dân nơi đây tiếp tục gặp khó khăn trong sinh hoạt. Để thuận tiện đi lại, người dân trong một con ngõ dùng tấm gỗ ghép lại làm "cầu khỉ". Ảnh: Huy Mạnh
TS
Bình luận