Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ hai, 04/04/2022 11:04
TMO – Những năm qua Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội, ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/ dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Việt Nam không ngừng nỗ lực xử lý bom mìn sau chiến tranh.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước) với ngân sách dành cho công tác rà phá bom mìn là 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Đánh giá chung, giai đoạn 2010 - 2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Đó là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đã tiến hành khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ các tổ chức quốc tế gần 100 triệu USD.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành hàng chục văn bản quan trọng liên quan đến vấn đề này. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đảm bảo hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp trên 3,1 triệu giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn; nhiều địa phương tổ chức rà soát đối tượng giải quyết nâng mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo mức mới bảo đảm kịp thời, đầy đủ từ ngày 01/7/2021.
Đã có khoảng 3,4 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng; 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nạn nhân bom mìn thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 1 định xuất nuôi dưỡng, chăm sóc.
An Nhiên
Bình luận