Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ hai, 14/03/2022 16:03
TMO - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu đến năm 2025 xóa điểm ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là hoạt động cải thiện rõ nét nhất trong thời gian qua. Sở đã đề xuất việc bố trí kinh phí thực hiện đặt hàng vệ sinh môi trường ngay đầu năm 2021, Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực đã đặt hàng.
Tính từ tháng 2-2021 đến nay, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này đã thu gom, xử lý hơn 1.000 tấn rác, bình quân 2,7 tấn/ngày. Các tuyến đường xung quanh trước đây thường xuyên bị phản ánh ô nhiễm, nhưng từ khi triển khai Kế hoạch 2375, tình trạng này đã chấm dứt.
Để ngăn chặn các nguồn phát sinh rác thải vào âu thuyền, các đơn vị đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp. Hiện có 75 camera để giám sát nhiều mục tiêu, trong đó có giám sát kịp thời vấn đề môi trường, bước đầu vận hành rất hiệu quả. Cùng với đó, Ban Quản lý âu thuyền cũng đã yêu cầu 1.075 chủ tàu ký cam kết nộp rác thải khi tàu cập cảng. Việc thu hồi lượng rác này góp phần ngăn chặn lượng rác khá lớn xả vào âu thuyền.
Công tác vệ sinh môi trường tại âu thuyền Thọ Quang được thành phố Đà Nẵng chú trọng triển khai
Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang đã kiểm tra xuất bến cho các tàu thuyền, trong đó có lưu ý chứng từ giao nộp rác thải thông qua quy chế phối hợp đã ký giữa các đơn vị. Lực lượng chức năng cũng đã tháo dỡ dứt điểm 872 nhà tạm, chòi canh và các lồng, bè nuôi trồng ngoài Vịnh Mân Quang.
Về nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt, Sở xác định việc cắt giảm dần các nguồn nước thải vào âu thuyền sẽ cải thiện chất lượng môi trường nước khu vực này. Đến nay, thành phố đã đầu tư cơ bản hạ tầng bảo vệ môi trường thông qua các dự án, hạng mục như Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 1 với công suất thiết kế 25.500 m3/ngày đêm, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông, trong đó trạm xử lý nước thải giai đoạn 2 với công suất 30.000 m3/ngày đêm; Tiểu dự án nạo vét âu thuyền, cải tạo tuyến thu gom nước thải tuyến đường Vân Đồn, dự án nâng cấp mở rộng cảng cá giai đoạn 2… với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn hợp tác quốc tế, dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thực hiện Hợp phần "Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang" với 1,55 tỷ đồng tập trung vào nhiệm vụ truyền thông, giám sát môi trường dựa vào cộng đồng, xây dựng phần mềm quản lý ô nhiễm.
Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát xả nước thải vào khu vực âu thuyền cũng được triển khai tích cực thời gian qua. Đặc biệt là theo dõi và đánh giá chất lượng nước định kỳ, kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy hoàn thành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nguồn thải lớn; giám sát chặt chẽ xả nước thải của cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp sau khi đấu nối, nạo vét cống, nạo vét bùn tại các cửa xả.
Về xử lý mùi hôi và khí thải, cơ quan chức năng đánh giá mùi hôi phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như khu vực giao thương tại cảng, chợ đầu mối, phương tiện vận chuyển hải sản đậu đỗ, từ cơ sở trong và ngoài khu công nghiệp, bùn lắng đọng trong âu thuyền. Sự tác động về mùi hôi đối với môi trường xung quanh còn phụ thuộc nền nhiệt, tốc độ và hướng gió.
Chia sẻ thêm về những giải pháp nhằm tiến tới xóa bỏ điểm ô nhiễm moi trường tại âu thuyền Thọ Quang, Sở TN&MT thành phố cho biết thêm: Cùng với nhiều hoạt động khác, việc nạo vét bùn trong khu vực âu thuyền đang chuẩn bị triển khai. Đây là phần công việc khó khăn, liên quan đến xử lý khối lượng lớn rác, bùn lớn lưu cữu trong âu thuyền.
Theo đó, Sở TN&MT giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ. Theo đánh giá thì đơn vị thi công sẽ nạo vét khoảng 347 nghìn khối bùn và vận chuyển đi nhận chìm tại vị trí đã được phê duyệt. Các loại rác, chất thải rắn sẽ được lọc ra để chở đi xử lý tập trung.
Sở TN&MT thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chủ động ứng phó với sự cố môi trường (trong đó có sự cố tràn dầu)
Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc thi công nạo vét và nhận chìm vật chất với 13 thành viên thuộc các Sở, ban ngành. Sở cũng chủ động đề nghị Chủ dự án cung cấp các kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo yêu cầu, rà soát các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt.
Việc kiểm soát ô nhiễm trong khu vực rộng lớn, mở với nhiều nguồi thải đan xen, nhiều cơ quan cùng quản lý thì rất phức tạp, đòi hỏi liên tục, phối hợp chủ động, nhân dân cùng tham gia. Trước đây Đà Nẵng có 13 điểm nóng ô nhiễm. Trong giai đoạn 2008-2018 thành phố đã xử lý dứt điểm được 11 điểm. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt Sở TN&MT thành phố sẽ thực hiện đúng tiến độ là đưa âu thuyền Thọ Quang ra khỏi danh sách điểm nóng về ô nhiễm môi trường vào năm 2025.
Hữu Thi
Bình luận