Hotline: 0941068156

Thứ hai, 25/11/2024 04:11

Tin nóng

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Thứ hai, 25/11/2024

Những “vị cứu tinh” của thú rừng giữa đại ngàn Kẻ Gỗ

Thứ tư, 03/04/2024 22:04

TMO - Đến mùa bẫy thú, ông T. và người dân ở miền sơn cước lại vội vàng khăn gói lên đường. Họ tự nguyện bỏ công sức vào rừng “ăn gió, nằm sương” giữa đại ngàn, để giải cứu động vật hoang dã thoát khỏi cạm bẫy.

Đầu tháng 3, chúng tôi về xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tìm gặp ông N.V.T. (60 tuổi), người đã có hàng chục năm bôn ba với núi rừng, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nằm “khuất” mình bên bờ suối, ông cùng mọi người đang tranh thủ chuẩn bị lại đồ đạc để ngày mai lên rừng. Vừa rót nước mời khách, ông vừa trải lòng: “Bao năm ngược xuôi, đến giờ vẫn chưa hết duyên nợ với rừng các chú ạ”.

Ông T. kể, những năm về trước, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng để sinh tồn. Từ những năm 1990, sau khi được Nhà nước tuyên truyền và có quy định về việc cấm săn bắt thú rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, mọi người đã từ bỏ các tập tục cũ, chuyển sang làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, trồng cây gây rừng.

Ông N.V.T. kể về những chuyến đi rừng cứu động vật hoang dã thoát khỏi cạm bẫy của thợ săn (Ảnh: Phan Ấn) 

Đã không ít lần vào rừng để trông coi gia súc, ông nhìn thấy nhiều thú rừng vô tội dính bẫy, có lúc thì còn sống, lúc thì đã chết. Nhiều con bị thương nặng, chân lở loét đang cố “giãy giụa” và kêu thảm thiết. Những lúc tận mắt chứng kiến như vậy, ông không khỏi xót xa. Từ đó, để bảo vệ đàn gia súc và các loài động vật hoang dã, ông và mọi người đã chủ động vào rừng kiểm tra thường xuyên hơn.

Trâu của người dân chăn thả trong rừng dính bẫy, bị thương, chân lở loét không thể đi lại được. (Ảnh: Người dân cung cấp) 

“Mới đây nhất, vào tháng 11 năm 2023, chúng tôi đã phát hiện và tháo gỡ được mười tám cái bẫy thòng lọng bằng dây cáp và hàng chục chiếc bẫy lòn để đánh bắt lợn rừng, nây, mang, chồn, khỉ, gà rừng và các loài chim, thú nhỏ… bẫy được tập trung nhiều nhất ở Rào Cái, Rào Cời, LiBi, Cơn Trường và tại các vùng rừng sâu hiểm trở trong lòng hồ Kẻ Gỗ”, ông T. chia sẻ.

Theo ông T., những năm qua, mặc dù cơ quan quản lý và bảo vệ rừng đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng do lực lượng bảo vệ rừng còn quá mỏng so với diện tích rừng quản lý nên tình trạng đặt bẫy săn bắt thú rừng vẫn đang diễn ra âm ỉ, đe dọa đến sự sinh sôi, phát triển của nhiều loài động vật quý hiếm. Bên cạnh đó, những người đặt bẫy thú rừng ngày càng tinh vi, kín đáo hơn. Nhiều đối tượng rất liều lĩnh, có thể tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện và truy đuổi.

Người dân thu gom được hàng chục bẫy thú sau những chuyến đi rừng. (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp). 

Nhiều năm kinh nghiệm đi rừng, ông Đ., giải thích thêm: “Bình quân mỗi tháng chúng tôi vào rừng một lần. Riêng nhóm tôi và ông T. có tháng đi từ hai đến ba lần. Mùa mưa là thời điểm thích hợp nhất để kẻ xấu vào rừng đặt bẫy. Mỗi đợt như vậy, chúng tôi tháo gỡ, thu gom được hàng chục chiếc bẫy thú rừng”.

Các loại bẫy thú được người dân thu gom chủ yếu là bẫy thòng lọng, bẫy lòn, bẫy dây dù và bẫy kẹp…(Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp).  

Các loại bẫy thú chủ yếu được làm bằng dây cáp, dây phanh và dây dù, mới đây xuất hiện nhiều bẫy kẹp làm bằng lưỡi cưa CD và sắt phi 14 để đánh bắt lợn rừng và các loài thú lớn. Theo ông Đ., loại bẫy này có mức độ sát thương rất cao, nếu không chú ý quan sát, một khi vướng vào bẫy có thể bị gãy ngang ống chân và không thể thoát ra được.

Ông T. cho biết, mùa bẫy thú rừng bắt đầu từ tháng 10 dương lịch năm trước cho đến hết tháng 4. Những kẻ vào rừng đặt bẫy người bản địa cũng có, nhưng đa phần đến từ huyện Hương Khê và Kỳ Anh. Chúng đi theo từng nhóm từ hai đến ba người, lợi dụng lúc lực lượng bảo tồn không đi tuần tra sẽ đột nhập vào rừng gài bẫy, sau đó rút nhanh về lán trú ẩn và chờ con mồi cắn câu.

Lực lượng bảo tồn và người dân cùng tham gia gỡ bẫy thú rừng. (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp). 

Đã nhiều lần ông T. đối mặt với những người này. Tuy nhiên, chúng rất tinh vi, ngụy trang dưới vỏ bọc vào rừng tìm cây thuốc quý nhằm đánh lừa lực lượng bảo vệ rừng để nhanh chân tẩu thoát. “Bắt đầu từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã lọ mọ lên đường, phải mất hàng giờ đồng hồ chèo thuyền mới sang được mạn bên kia rừng. Bẫy được đặt ở những khu vực gần khe suối nhằm đón đầu những con thú rừng đi tìm nguồn nước và thức ăn. Để sinh tồn trong rừng, chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ từ gạo, mì tôm, mắm muối đến chăn màn, thuốc men…”, ông T. kể về những lần đi rừng.

Công việc gỡ bẫy luôn đối mặt những nguy hiểm, đòi hỏi người đi rừng phải có kinh nghiệm và sức khỏe tốt để trèo đèo, lội suối, dầm mưa, dãi nắng suốt nhiều ngày trong rừng sâu hiểm trở, cách ly với cuộc sống bên ngoài.  “Có những lần, chúng tôi đi từ sáng sớm đến lúc trời tối đen như mực mới ra được khỏi rừng. Cũng có nhiều hôm gặp phải mưa lớn, người ướt như chuột lột, đành phải dừng chân, mắc võng dưới tán cây nghỉ lại trong rừng, chờ mưa tạnh mới có thể tiếp tục hành trình”, ông T. kể tiếp.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đang đi tuần tra gỡ bẫy thú rừng. (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp). 

Cùng với đó, ở chốn “rừng thiêng, nước độc” cạm bẫy chi chít như thiên la địa võng luôn rình rập người đi rừng, để đảm bảo an toàn, ông và mọi người đã chia thành từng nhóm, hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Vừa nói chuyện, ông T., vừa kéo ống quần lên, để lộ đôi bàn chân với đầy những vết sẹo hằn sâu, sau những chuyến đi rừng về như để “khoe” với chúng tôi.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đang đi tuần tra gỡ bẫy thú rừng. (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp). 

Mỗi năm, ông T., và người dân miền sơn cước đã tự nguyện bỏ thời gian, công sức vào rừng gỡ bẫy và giải cứu động vật hoang dã thoát nạn. Những loài thú bị bẫy mà nhóm ông T., thường gặp là: khỉ, chồn, sóc và các loài chim quý hiếm, đưa chúng trở về với thế giới tự nhiên, góp phần cùng với các lực lượng quản lý và bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời những hành vi đánh bắt động vật hoang dã trái phép.

Ông Nguyễn Phi Công - Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho hay: “Những đóng góp của ông T. và nhiều người dân ở xã Cẩm Mỹ không phải ai cũng làm được, họ dám đương đầu với kẻ xấu để ngăn chặn những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Việc làm này, hàng năm đã được các cấp chính quyền và đơn vị biểu dương ghi nhận”. Đồng thời, theo ông Công, người dân nơi đây còn đóng vai trò là những “vệ tinh” tích cực trong công tác bảo vệ rừng, phòng, chống, chữa cháy rừng, là lực lượng nòng cốt tham gia ứng cứu kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra. 

Những kẻ thợ săn vào rừng đặt bẫy người bản địa cũng có, nhưng đa phần đến từ những địa phương khác. (Ảnh: Người dân cung cấp).

Còn với ông T., dù đã hơn nửa cuộc đời bôn ba với núi rừng, bảo vệ các loài muông thú, nhưng khi chúng tôi hỏi vì sao đến bây giờ vẫn gắn bó. Ông chỉ cười: “Vẫn chưa hết duyên nợ với rừng các chú ạ”.

Lực lượng bảo vệ rừng dừng chân nghỉ trưa bên bờ suối trong một chuyến tuần tra. (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cung cấp).

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có tên đầy đủ là “Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ”, được thành lập năm 1997, thuộc địa phận hành chính của ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê và phía nam giáp tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích tự nhiên là 44.271,81ha.

Hiện tại, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa với các loài chủ yếu như Lá nón, Song, Mây, Cau rừng, Lụi…, tại tầng thảm tươi có Quyết, Bồn bồn và các loài họ Rô… Rừng Kẻ Gỗ cũng là quê hương của các loài mộc lan, phong lan đẹp và qúy như Quế hương, Tai tượng, Tai trâu, Đuôi chồn, Phượng vỹ, Nghinh xuân…

Hệ động vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng rất phong phú, cho tới gần đây đã phát hiện 392 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát và lưỡng cư… Đã có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới, một số loài như Voi, Bò tót, Hổ có thể đã biến mất hoặc số lượng quần thể của chúng bị suy giảm đáng kể, một số loài có giá trị bảo tồn khác như Vượn má hung, Gấu, Tê tê, Sóc bay… cũng trở nên hiếm hoi.

Tại đây cũng đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu quan trọng có vùng phân bố hẹp, đó là Gà lôi lam mào đen, Gà lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích chạch mỏ xám, trong đó Gà lôi lam mào đen và Gà lôi Hà Tĩnh là hai loài bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu.

 

 

PHAN ẤN 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline