Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 28/01/2023 05:01
TMO - Hàng loạt thủ tục thuộc các lĩnh vực của đời sống, trong đó có thủ tục về đất đai, nhà ở đang yêu cầu xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu giấy sẽ thay đổi từ ngày 01/01/2023 khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng (Nghị định 104/2022/NĐ-CP).
1. Bỏ sổ hộ khẩu giấy khi xác định sử dụng đất ổn định lâu dài
Theo quy định mới, cá nhân, hộ gia đình có thể xác định việc sử dụng đất lâu dài căn cứ vào thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc các giấy tờ khác như Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh thay vì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cụ thể, Điều 11 Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 21 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP về căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định như sau:
Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký. Trường hợp không khai thác được thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Trong khi đó, quy định cũ đang là: e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;
Như vậy, một trong những giấy tờ làm căn cứ để xác định việc sử dụng đất lâu dài theo quy định cũ là giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn liền với đất ở: Từ 01.01.2023: Bổ sung Căn cước công dân, bỏ quy định về giấy tờ về hộ khẩu, tạm trú và bổ sung quy định sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú nếu không khai thác được thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh minh họa
2. Bỏ sổ hộ khẩu giấy trong các thủ tục về nhà ở
Bỏ sổ hộ khẩu giấy không chỉ ảnh hưởng đến các thủ tục quản lý nhà ở xã hội hay đất đai mà còn cả các thủ tục về nhà ở. Cụ thể, hồ sơ tại các thủ tục dưới đây tại Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở sẽ bị thay đổi:
Tại điểm c khoản 1 Điều 60 về hồ sơ thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Tại điểm b khoản 1 Điều 69 về hồ sơ đề nghị mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Tại điểm b khoản 1 Điều 71a về hồ sơ bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung hoặc chuyển quyền sử dụng đất liền kề/chuyển quyền sử dụng đất với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, hồ sơ trong các thủ tục này đều được bỏ yêu cầu về bản sao chứng thực sổ hộ khẩu gia đình nếu là vợ chồng. Quy định cũ chỉ còn yêu cầu bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
3. Bỏ sổ hộ khẩu trong các thủ tục về nhà ở xã hội
Không chỉ sửa đổi quy định trong các thủ tục về nhà ở mà lĩnh vực quản lý nhà ở xã hội tại Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100/2015/NĐ-CP) cũng được sửa đổi khi chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 01.01.2023.
Theo đó, định nghĩa về hộ gia đình, cá nhân tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 100 đang căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Tuy nhiên, khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì định nghĩa này đã được thay đổi. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: Hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú được cấp theo quy định của Luật Cư trú.
Quy định này vẫn đang định nghĩa hộ gia đình theo sổ hộ khẩu giấy hoặc sổ tạm trú giấy nên Điều 8 Nghị định 104 đã sửa đổi, bổ sung như sau: Hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú.
Do đó, từ 01.01.2023, Chính phủ đã sửa đổi quy định đó theo hướng xác định hộ gia đình theo thông tin đã cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú mà không phải căn cứ theo tên các thành viên được ghi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Nguyễn Minh
Bình luận