Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 19:11
Thứ sáu, 07/10/2022 14:10
TMO - Trong 05 năm qua, khoảng 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ đã được điều động với 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn cứu hộ 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại, cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và Nhân dân ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Huy động được người dân, các tổ chức có liên quan vào công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo Thông báo 319/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Một trong những nội dung kết luận nêu rõ: Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), công tác PCCC và CNCH đã đạt một số kết quả quan trọng.
Trong 05 năm qua, đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ với 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại, cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và Nhân dân ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Huy động được người dân, các tổ chức có liên quan vào công tác PCCC và CNCH,...Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và CNCH.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp Long Hậu, Long An. Ảnh: Thanh Nga
Đặc biệt, trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC và CNCH, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng đã nỗ lực, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của Nhân dân, sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, khách quan thì công tác PCCC và CNCH còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, cần khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.
Trong đó, 5 năm qua đã có 440 người chết và hàng nghìn người bị thương; trên 60% số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra ở đô thị; 45,8% có nguyên nhân liên quan đến điện; các vụ cháy gây thiệt hại lớn thường tập trung ở khu đô thị, khu công nghiệp, chợ, quán karaoke, quán bar, vũ trường, trong khi đó mới chỉ dành 9.668,9 tỷ đồng đầu tư cho công tác PCCC và CNCH.
Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC; nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí cố ý vi phạm quy định PCCC...
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu dân cư, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người, hạ tầng cơ sở cũ không thể khắc phục ngay do nguồn lực rất lớn, cần thời gian nghiên cứu quy hoạch chuyển đổi… Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường hơn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ trong tâm như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH; Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trong phạm vi lãnh đạo quản lý của mình; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH; Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, cấp bách của việc sửa đổi Luật PCCC để bổ sung quy định về công tác CNCH theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nhất là kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH và tự bảo vệ mình. Phát huy vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ cho chính mình, từ bảo vệ cho chính mình thì mới tham gia bảo vệ được cộng đồng, với tinh thần mình vì mọi người và mọi người vì mình; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn PCCC và CNCH, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, quán karaoke, vũ trường, quán bar...
Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong giám sát, kiểm tra.
Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở theo phương châm "Bốn tại chỗ". Tăng cường công tác tập huấn, phương án chữa cháy, CNCH. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, hậu cần cho công tác PCCC và CNCH.
Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...). Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Huy động nguồn lực hợp tác công tư, xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị PCCC và CNCH. Khẩn trương nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ cao, công nghệ chữa cháy tự động vào hoạt động PCCC và CNCH…
Quốc Dũng
Bình luận