Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 18/09/2023 19:09
TMO – Cần giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Theo đó, Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10 - 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Kết quả hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.574.969 lượt người. Tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng.
Những dữ liệu và kết quả trên cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, phát triển du lịch thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững. Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
Ngoài ra, kết cấu xã hội tại cộng đồng cũng có thể bị ảnh hưởng do mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc phân chia lợi ích từ du lịch, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, giá đất, giá sinh hoạt thay đổi theo nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở nước ta còn hạn chế và chưa đồng đều. Mặc dù, ở nhiều điểm du lịch đã phát triển, cộng đồng địa phương được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch địa phương hoặc do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức hướng dẫn; song do năng lực nhận thức còn hạn chế, thói quen, lối sống truyền thống... nên việc tiếp nhận cũng như thực hành các kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch, khả năng ngoại ngữ... ở nhiều điểm đến còn chưa đạt yêu cầu, chưa chuyên nghiệp, làm giảm chất lượng dịch vụ của điểm đến.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng, giao thông đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch có nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, nông thôn, sinh thái. Cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến. Tất cả đang là thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững.
Giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững
Theo các chuyên gia, để khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Cụ thể: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn": chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm; Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch.
Ngành du lịch cần tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tế bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có. Cần chú trọng việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam đến với du khách.
Chú trọng đầu tư đồng bộ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch chỉ dựa vào điều kiện sẵn có. Cần có cơ chế khuyến khích về thuế, tín dụng, thời gian cho thuê đất, giảm thiểu thủ tục hành chính… để các tập đoàn tư nhân có thêm điều kiện đầu tư vào du lịch, tạo sự phát triển bền vững cho ngành Du lịch. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Ngành Du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Các trường học và doanh nghiệp cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế. Bảo vệ môi trường, an toàn tại địa điểm du lịch. Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách./.
THIÊN LÝ
Bình luận