Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 03:01
Chủ nhật, 19/05/2024 19:05
TMO - Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, duy trì tỷ trọng khoảng 87% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp của thành phố. Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá. 25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…
(Ảnh minh họa)
Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Hải Phòng đạt 16 tỷ USD, chiếm 13,3%, tăng 21%; Thái Nguyên đạt 17,8 tỷ USD, chiếm 14,7%, tăng 34%; Bắc Giang đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 13,7%, tăng 22%...
Phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 vừa diễn ra mới đây, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, khu vực công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của Hà Nội. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, duy trì tỷ trọng khoảng 87% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp của thành phố. Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng, chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động.
Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh/thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logistics... còn hạn chế; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng… Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, pháp luật liên quan đến quản lý cụm công nghiệp còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn; nhiều nội dung phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để giải quyết, trong đó thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Mặt khác, một số cụm công nghiệp hình thành trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, hiện không có chủ đầu tư dẫn đến công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, một số cụm công nghiệp chưa có công trình xử lý nước thải theo quy định, chất lượng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp nhìn chung là thấp. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý, phát triển cụm công nghiệp…/.
QUỲNH VÂN
Bình luận