Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Chủ nhật, 05/05/2024 07:05
TMO - Nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra với công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có lộ trình phát triển thị trường carbon rõ ràng, và đây sẽ là cơ hội lớn cho việc mua bán tín chỉ carbon để huy động đầu tư cho quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục sẵn sàng cho việc vận hành thị trường carbon để tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao, bao gồm khung pháp lý, công cụ và hướng dẫn cũng như xây dựng năng lực cho các bên tham gia tại địa phương một cách cụ thể. Để triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, tính riêng giai đoạn 2021 – 2023, các địa phương đã tổ chức bảo vệ hơn 309 nghìn ha rừng ven biển, đạt 112% so với kế hoạch. Về phát triển rừng, tổng diện tích rừng đã trồng là trên 6,3 nghìn ha rừng trồng tập trung, trồng 327 nghìn cây phân tán. Một số địa phương trồng rừng ven biển đạt kết quả cao như: Quảng Ninh (843 ha), Hải Phòng (663 ha), Quảng Bình (601 ha), Hà Tĩnh (599 ha), Quảng Trị (533 ha).
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra với công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều dự án trồng rừng ven biển còn chậm tiến độ, ở một số nơi việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn cây giống chưa được kiểm soát về nguồn gốc nên chất lượng chưa bảo đảm... Nguyên nhân khách quan một phần do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở bờ biển cửa sông, gây mất rừng khó khăn cho trồng rừng. Đất quy hoạch rừng vùng ven biển thường xuyên biến động do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế xẫ hội như phát triển công nghiệp, cảng biển, điện năng, du lịch nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế. thủ tục thực hiện dự án mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm hoặc phải điều chỉnh. Một số địa phương chưa quyết liệt xử lý tình trạng xâm chiếm đất trái phép, thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy định.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra là cần khi lập dự án đầu tư, chủ đầu tư cần khảo sát, đánh giá kỹ hiện trường, điều kiện trồng rừng, gắn với nguồn vốn cụ thể. Việc phân bổ vốn các dự án phải kịp thời đảm bảo tiến độ và mùa vụ trồng rừng nhằm tăng tỷ lệ sống cho cây. Điều này rất cần sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Có thể lồng ghép trồng rừng ngập mặn trong các chương trình trên cùng địa bàn, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, lồng ghép về giới, sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức Quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và mở rộng diện tích rừng ngập mặn hiện có, cần tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về rừng ngập mặn; nâng cao chất lượng thu thập dữ liệu và giám sát giữa các đơn vị về khí hậu, đa dạng sinh học và ven biển. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng xuyên suốt các sáng kiến bảo tồn và phục hồi; hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ chế ưu đãi và hạn chế chuyển đổi bất hợp pháp, đồng thời, tận dụng các ưu đãi tài chính từ thị trường carbon và chuỗi giá trị bền vững.
HẢI YẾN
Bình luận