Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 04:01
Thứ sáu, 20/05/2022 15:05
TMO – Trốn tránh không thực hiện hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn cho thấy một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng.
Theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc 13 nhóm sản phẩm, bao bì quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3/2022 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đến nay cơ bản các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện đúng trách nhiệm này nhưng vẫn còn một số nhà sản xuất, nhập khẩu, kể cả các doanh nghiệp lớn chưa nghiêm túc thực hiện.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có danh sách các doanh nghiệp này và sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến cuối tháng 5 năm nay.
Cũng theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hành vi không kê khai, không nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ban hành vẫn bị xử phạt bởi đây là các hành vi vi phạm đang được thực hiện và thời hiệu xử phạt là 2 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp chây ì nộp phí xử lý chất thải. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, việc này nhằm bảo đảm sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật mà còn là bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Không thể để tình trạng trong cùng một ngành hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trong khi đó doanh nghiệp kia không thực hiện, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc trốn tránh không thực hiện hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn cho thấy một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng; nên cần thiết phải công khai tên những doanh nghiệp này cho cộng đồng, người tiêu dùng biết và có thái độ với các sản phẩm của các doanh nghiệp này sản xuất, nhập khẩu.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) gồm 02 trách nhiệm, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải. Đối với trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thì doanh nghiệp có lộ trình thực hiện, cụ thể một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 01/01/2024 và một số sản phẩm sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2025 hoặc từ 01/01/2027. Riêng đối với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải thì không quy định lộ trình và doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm này kể từ ngày 01/01/2022.
Về trách nhiệm xử lý chất thải, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau tiêu dùng thì phải có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.
Phạm Yến
Bình luận