Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 07/07/2023 12:07
TMO – Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Việc sấu đầu đỏ xuất hiện, chọn làm nơi sinh sống là minh chứng rõ nét về chất lượng môi trường sinh thái nơi đây đang rất tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng sếu đầu đỏ quay về vùng đất này ngày càng suy giảm mạnh, thậm chí có năm sếu không quay về.
Vào những năm 1980, Vườn Quốc gia Tràm Chim ghi nhận hàng nghìn cá thể sếu đầu đỏ tìm về. Tuy nhiên, số lượng sếu tìm về ngày một giảm, theo thống kê của Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vường Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), những năm 2014-2016 có 14-23 cá thể sếu đầu đỏ về mỗi năm. Đến năm 2017 chỉ có 3 cá thể bay về, năm 2018 có 9 cá thể, năm 2019 có 11 cá thể sếu về vườn. Đáng chú ý năm 2020 và 2022 không có cá thể sếu nào bay về.
(Ảnh minh họa. Nguồn: V.L)
Để phục hồi hệ sinh thái nói chung và sếu đầu đỏ nói riêng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ nhằm khôi phục lại số lượng sếu. Dự án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 92 tỷ đồng cho 4 hạng mục chính gồm: Nuôi, thả sếu tại Tràm Chim; Cải thiện môi trường sống của sếu; Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn; Quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào Sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương). Riêng đối với hạng mục nhập sếu đầu đỏ sẽ thực hiện từ năm 2024. Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận 2 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên đang trong quá trình trưởng thành từ vườn thú Nakhon Ratchasima (tỉnh Nakhon, Thái Lan) để chăm sóc, huấn luyện. Trong 4 năm tới, sẽ tiếp nhận khoảng 20 cá thể. Đồng Tháp kỳ vọng trong khoảng 10 năm sẽ nuôi, thả 150 cá thể sếu và sau đó chúng tự nhân đàn. Dự án ngay sau đó nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Để làm rõ hơn về dự án này, đặc biệt đối với việc nhập sếu đầu đỏ về nuôi thả tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
PV: Theo Giáo sư (GS) việc nhập sếu đầu đỏ từ Thái Lan về nuôi thả có tính khả thi đến đâu?
GS. Đặng Huy Huỳnh: Trước khi nêu quan điểm về việc này, chúng ta phải xác định vùng sếu đầu đỏ ở Vùng Đồng Tháp Mười tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào cảnh quan, sinh thái tại đây. Đặc biệt, môi trường của sếu đầu đỏ là hệ sinh thái bãi cỏ Năng. Do đó, sếu đầu đỏ là hình ảnh nổi tiếng của Vườn Quốc Gia Tràm Chim từ những năm 1990 (khi lần đầu tiên phát hiện). Tất nhiên, từ khi hình thành cho đến khi thành lập Khu bảo tồn (Vườn quốc gia vùng Đồng Tháp mười hiện nay) là sự cố gắng lớn của các nhà khoa học, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính phủ. Đó là điều mà các nhà khoa học như chúng tôi rất mừng. Có thể khẳng định, Vùng Đồng Tháp Mười là một hệ sinh thái rất đặc biệt đã tồn tại hàng nghìn năm nay, nằm trong hệ sinh thái chung vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chính vì thế, từ lâu nay tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức quản lý, quan sát cảnh quan sinh thái để tạo điều kiện cho sếu đầu đỏ hàng năm về. Tuy nhiên, những năm vừa qua, có năm sếu về, có năm không về, có năm về ít, có năm về nhiều. Tôi cho rằng, việc mà Sếu đầu đỏ di cư về nhiều hoặc ít hoàn toàn phụ thuộc vào các hoạt động của con người, khi ta làm mất đi môi trường sống của chúng.
Sếu đầu đỏ cấu tạo cơ thể có đặc trưng: chân cao - lưng dài nên quá trình lội vùng đất để tìm kiếm thức ăn (củ năng) là sinh thái của sếu để đáp ứng nhu cầu sinh lý học của sếu về quá trình tiến hóa, vận động các cơ, hệ tiêu hóa, một cách đồng bộ tạo sự phát triển của sếu. Sếu đầu đỏ là một đối tượng sinh thái rất đặc biệt, bởi vì cơ thể, hình thái, màu sắc của sếu đầu đỏ rất đẹp. Thêm nữa là cách bay, vùng dang cánh bay của sếu đầu đỏ, lúc cất cánh bay hay hạ cánh tạo nên hình ảnh rất tuyệt vời trong thiên nhiên. Vì vậy, biểu tượng của sếu giúp phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh đã kiên trì “phục” săn được những bức ảnh đẹp của Sếu đầu đỏ. Vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ riêng có sếu đầu đỏ mà còn nhiều loại chim khác nữa tạo nên 1 quần thể chim, trong đó sếu đầu đỏ là đối tượng được yêu thích nhất đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Vì vậy, dựa trên những giá trị của Vườn Quốc gia nói chung, sếu đầu đỏ nói riêng thì có thể khẳng định sự đúng đắn trong việc phục hồi sếu đầu đỏ. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, việc phục hồi sếu phải quan tâm số 1 phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái tự nhiên của vùng lõi (vùng sếu di cư về), trong đó vùng bãi cỏ năng là quan trọng nhất. Mà muốn cỏ năng phát triển thì hệ thống nước không bị ô nhiễm. Nếu môi trường Vùng Đồng Tháp mà bị ô nhiễm như các hoạt động nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà nếu không có biện pháp ngăn chặn sự lan truyền từ vùng sản xuất nông nghiệp qua vùng bảo vệ cỏ năng. Thực tế cũng đã chứng kiến, có một thời gian cỏ năng tại Vườn Quốc gia Tràm chim không thể phát triển, và khi Đồng Tháp có các giải pháp phục hồi tốt thì cỏ năng có năm lại phục hồi. Những năm cỏ năng phục hồi lại thì sếu đầu đỏ lại xuất hiện. Đặc biệt, theo tập tính của sếu đầu đỏ, khi xuất hiện nhiều còn phụ thuộc vào tập tính hoạt động. Vì loài chim cũng như con người, chúng có tập tính, có cả quần thể, chúng có cả xã hội của chúng. Chúng sẽ rủ nhau đến rất nhiều nếu thức ăn nhiều, thức ăn tốt và người lại nếu thức ăn không tốt, không nhiều chắc chắn chúng sẽ không đến nữa. Bởi vì với các loài chim, hệ thần kinh rất phát triển, chúng biết chỗ nào, môi trường nào có thức ăn, an toàn để chúng sinh hoạt và là nơi sinh sản. Vì vậy, theo tôi vẫn là việc phục hồi, giữ nguyên môi trường, hệ sinh thái là điều quan trọng nhất, hạn chế mức độ ô nhiễm xung quanh, giữ nước trong sạch, và tạo phát triển hệ thống cây xanh bóng mát vì sếu tuy sống giữa đồng nhưng khí trời nắng nóng, nhiệt độ cao, sếu cũng cần nơi có bòng mát để nghỉ ngơi. Hệ sinh thái, môi trường tốt không những giúp cỏ năng phát triển mà còn giúp phát triển các loài tôm, cá.
Chưa thể khẳng định và không nên nóng vội
Quay trở lại câu hỏi của phóng viên “nhập sếu từ Thái Lan”, trước hết chúng ta cần xác định sếu đầu đỏ là một loại chim di cư, chúng bay đi, bay về, mà chúng đã chọn vùng Đồng Tháp Mười thì chúng đi rồi chúng sẽ về vì chúng biết nơi chúng đã từng sinh hoạt, từng ăn, hoặc từng được sinh hoạt – đó là tập tính riêng của chúng. Tôi muốn đặt câu hỏi với tỉnh Đồng Tháp, vấn đề về môi trường, sinh cảnh, nhiệt độ, bãi cỏ như thế nào, các vùng thức ăn, môi trường sinh thái của sếu tại Thái Lan như thế nào, sự tương đồng tại vùng nuôi thả trong Vườn Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu kỹ chưa (?) Việc nhập ở đây chính là việc đã trao đổi nguồn gen – tôi không phản đối. Nhưng khi đưa về thì cần phải có điều kiện sinh thái phù hợp, và thực hiện theo mô hình thử nghiệm để theo dõi sự phát triển, sinh lý, quá trình bệnh tật như thế nào.
Nuôi và huấn luyện sếu ở Thái Lan trước khi thả chúng về tự nhiên. Ảnh: ICF
Đặc biệt, những năm gần đây việc sếu về ít hoặc không về, điều này chưa khẳng định là sếu sẽ không về nữa. “Nên theo tôi việc phục hồi sếu là không nên nóng vội mà trước mắt vẫn phải là tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái, phát triển được loại cỏ năng hay các loại thức ăn tôm, cá tại Vườn Tràm Chim sẽ là biện pháp kinh tế hơn, sinh thái hơn, môi trường hơn”, GS Huỳnh nhấn mạnh.
Khó có tính hiệu quả, thay vì nhập sếu nên học hỏi họ về giải pháp cảo tạo, bảo tồn
PV: Thưa GS, việc nhập sếu là học tập kinh nghiệm theo mô hình của Thái Lan đã áp dụng thành công trong việc gầy lại đàn, vậy GS có quan điểm thế nào?
GS. Đặng Huy Huỳnh: Về việc học tập mô hình, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế là hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, nói cụ thể về việc học tập môi hình “nuôi” sếu của Thái Lan để áp dụng vào Việt Nam, theo tôi chưa khẳng định tính hiệu quả và quan điểm cá nhân là khó có tính hiệu quả. Theo GS Huỳnh, thứ nhất là Thái Lan thành công thì cũng chưa có căn cứ nào để khẳng định là Việt Nam sẽ thành công nên tôi vẫn nhắc lại, cái gốc của vấn đề là chúng ta phải hiểu lý do sếu không về hoàn toàn phục thuộc vào hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan tự nhiên tại vùng Đồng Tháp Mười và khắc phục. Nếu có học hỏi kinh nghiệm, nên chăng địa phương học hỏi họ về các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường sinh thái chứ không phải tìm cách nhập, nuôi sếu vì bản chất sếu là 1 loại chim di cư hoang dã nên nó sẽ tự tìm đến nơi có môi trường thích hợp.
Thứ hai, sếu di cư và có tập tính của nó, chúng sẽ ghi nhớ nơi chúng sinh hoạt, sinh sản và sẽ di cư theo tập tính đó. Do vậy, việc nhập sếu về nuôi để thả vào tự nhiên gây đàn lấy gì để đảm bảo trong quá trình di cư sếu sẽ quay về hay chúng “một đi không trở lại” (?)
Nguy cơ gây xung đột giữa ‘sếu cũ’ và ‘sếu mới’
Thứ ba, như tôi đã nói ở trên chưa có căn cứ nào khẳng định “quần thể sếu cũ” sẽ vĩnh viễn không về, nên khi nuôi 1 vài cá thể sếu có nguồn gốc nơi khác. Chúng ta phải tính đến việc này sẽ ảnh hưởng, sự xung đột với đến quần thể sếu cũ trước đây thường di cư về. Vì sếu sinh hoạt theo quần thể, nên khi xuất hiện sếu lạ sẽ khiến “quần thể sếu cũ” trước đây nếu có về thì sẽ rời đi ngay và không quay lại nữa do đã bị “người lạ chiếm chỗ”.
Thứ tư, tôi ngại nhất những cá thể sếu ta nhập về nuôi mà đến 10 năm nữa với hy vọng trở thành 1 quần thể (150 con) thì tính khả thi không cao, và rất tốn kém về ngân sách, nhân lực và tôi đặt câu hỏi “sinh thái của sếu đầu đỏ nhập từ Thái Lan đã nghiên cứu kỹ chưa”? Vì vậy, tôi vẫn nhắc lại kiến nghị của tôi với tỉnh Đồng Tháp là chúng ta nên đầu tư cho phục hồi hệ sinh thái tự nhiên là có căn cứ khoa học nhất, có tính khả thi nhất để sếu tự về, và nếu môi trường tốt, chúng tự sẽ về nhiều.
Vậy nên, khi phục hồi hệ sinh thái, cảnh quan môi trường Đồng Tháp Mười có thể sếu về, cũng có thể sếu chưa về, nhưng chúng ta đã bảo vệ được cảnh quan tuyệt vời của Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, chúng ta phục hồi hệ sinh thái tốt sếu sẽ tự về. Còn nếu hệ sinh thái tốt mà sếu không về, thì chúng ta cũng có thể hiểu việc nhập sếu về nuôi, dù môi trường sống tốt cũng không có gì đảm bảo sếu sẽ ở lại và phát triển. Đặc biệt các loại chim di cư chúng có 1 trí nhớ tuyệt vời, hệ thần kinh, thị giác phát triển tốt, giúp chúng định hướng đi và về, có khi hàng nghìn cây số qua bờ biển vẫn nhớ hướng và điểm về. Thế nên, quan điểm của tôi về việc nhập, nuôi thả, phát triển thành đàn (theo dự tính khoảng 150 con) là không có tính khả thi. Vì chúng ta luôn phải nhớ bản chất sếu là loài di cư nên nó hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường sinh thái tự nhiên và bị tác động bởi hoạt động của con người. Nên tôi vẫn đề nghị địa phương không nên nóng vội mà phải thực hiện đúng quy trình, trước hết phải thực hiện phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, để cho các loại sinh vật tại đây tự phát triển, ngăn chặn sự tác động của hoạt động vùng xung quanh, tạo cảnh quan tốt. Tôi đề nghị tỉnh Đồng Tháp nên suy nghĩ lại về việc có nên nhập không? Đặc biệt, Đồng Tháp là một tỉnh còn khó khăn. Kinh phí nhập, nuôi sếu, nên chăng dùng để đầu tư, hỗ trợ cho cộng đồng xung quanh để họ phát triển sinh kế cộng động theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, cũng như khuyến khích, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giúp tạo thành “ngôi nhà” thực sự an toàn cho sếu. Ngoài ra, khi sếu quay về cần phải có sự nghiên cứu để tạo điệu kiện sống, tạo nguồn thức ăn có thể giữ chân được sếu. “Địa phương nên xem xét cân nhắc trên cơ sở khoa học, trên cơ sở thực tiễn, trên cơ sở vừa khoa học tự nhiên vừa khoa học nhân văn. Khoa học nhân văn – có nghĩa là chúng ta làm cho người dân vũng Đồng Tháp Mười thấy sếu hàng năm về để có ý thức bảo vệ. Còn nếu nhập sếu về thì người dân sẽ có tâm lý ỷ lại “mất cái gì thì nhập cái đấy”, nên ý thức tự bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan của cộng đồng địa phương sẽ thấp đi.
PV: Thưa GS, cộng đồng đang băn khoăn việc tích nước và trồng rừng với tỷ lệ dày trong Vườn Quốc gia Tràm Chim có ảnh hưởng gì đến sếu?
GS. Đặng Huy Huỳnh: Việc tích trữ nước ở vùng đồn bằng sông Cửu Long nói chung, Vườn Tràm Chim nói riêng là một vấn đề lớn bởi vì nước là nguồn tài nguyên và nước là một dòng chảy tự nhiên. Nên việc che chắn, bao bờ chính là việc làm mất đi dòng chảy tự nhiên là nguyên nhân gây sạt lở. Chúng ta có thể hình dung như dân gian có câu “tức nước vỡ bờ”. Về hoạt động giữ nước phòng chống cháy của Vườn, tôi không phản đối, nhưng việc tích trữ nước có thể nghiên cứu cách khác, vì Vùng Tràm Chim là một hệ sinh thái nước mở, nên khi bao bờ nguồn nước sẽ không lưu thông. Khi nguồn nước tự lưu thông sẽ tạo không khí và lưu chuyển thức ăn. Nên việc ngăn bờ sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa. Do đó, việc bao bờ, cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường sống của sếu cũng như những loài chim bản địa khác. Còn đối với tỷ lệ trồng rừng dày thì phải theo tiêu chí. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi vì nếu trồng rừng dày đặc thì sếu không sống được.
Khu A4 - nơi là bãi kiếm ăn chính của sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: N. Tài
PV: Thưa GS, về “vùng sinh thái” của sếu như GS vừa nhắc đến thì được xác định như thế nào? Vì như đã biết Vườn Quốc gia Tràm chim nằm trên địa bàn 5 xã, thị trấn. Và được phân chia thành các vùng A1,2,3,4,5.
GS. Đặng Huy Huỳnh: Việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên Vườn Tràm Chim bao gồm cảnh quan thiên nhiên, vùng đất ngập nước và cả một hệ sinh thái nông nghiệp xung quanh (vùng sinh sống của sếu). Về “vùng sinh thái” của sếu thì không phải toàn bộ Vườn Tràm Chim mà chỉ nằm trong vùng lõi, vùng mà có bãi cỏ năng rộng nhất mà sếu tự nhiên hay về. Do đó, việc phục hồi hệ sinh thái cho sếu sẽ phải phục hồi “vùng sinh thái” mà trước nay sếu hay về.
PV: Thưa GS, ngay sát khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim xuất hiện 1 nhà máy sản xuất gạch (hoạt động từ năm 2020) nhà máy này nằm trên địa bàn xã Phú Hiệp (xã này nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim). Nhiều ý kiên quan ngại sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, vậy quan điểm của GS thế nào?
GS. Đặng Huy Huỳnh: Theo tôi, với dự án Nhà máy gạch sẽ giúp địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, địa phương cần nghiên cứu kỹ và nên hạn chế, bởi nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái là rất cao. Đối với những co sở đã xây dựng rồi thì địa phương cần giám sát chặt chề về hoạt động sản xuất, quản lý chất thải. Đối với lò nung gạch có độ nóng rất cao nên phải có giải pháp triệt tiêu bằng cách tạo trồng nhiều cây xanh để tạo ‘tường chắn’ phát thải, tiếng ồn.
PV: Thưa GS, sau những vấn đề đã chia sẻ ở trên, GS có kiến gì với địa phương?
GS. Đặng Huy Huỳnh: Có thể chốt lại 3 vấn đề tôi kiến nghị với chính quyền địa phương. Thứ nhất, cân nhắc lại việc nhập sếu. Nếu Đồng Tháp quyết tâm nhập thì cần nghiên cứu kỹ về sự thích ứng giữa môi trường tại nơi nhập sếu (bên Thái Lan) với vùng môi trường sẽ nuôi và thả sếu (Vườn Tràm Chim). Tôi vẫn giữ quan điểm phải phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Vậy nên tôi đề nghị địa phương đưa hạng mục phục hồi hệ sinh thái tự nhiên là hạng mục đầu tư quan trọng nhất, và là việc phải ưu tiên làm trước. Thứ hai, tôi đề nghị xem lại phươn án tích trữ nước tại Vườn Tràm Chim. Thứ ba, hạn chế ảnh hưởng từ các hoạt động của công đồng, hoạt động kinh tế (Nhà máy gạch, hoạt động du lịch, việc khai thác du lịch, cần xem xét đến ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái), hoạt động sản xuất nông nghiệp…/.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Sếu đầu đỏ còn gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi trưởng thành, phần đầu, cổ của chim trụi lông và có màu đỏ rất nổi bật. Vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ; chim non lông màu sẫm hơn. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1,5-1,8 m; sải cánh 2,2 - 2,5m và có trọng lượng trung bình 8-10kg. Nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng ngập nước của Đồng Tháp Mười, Tràm Chim Tam Nông có diện tích tự nhiên 7.612 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Sau thời gian quy hoạch, phát triển và mở rộng, đầu năm 1999, nơi đây chính thức được Chính phủ công nhận là “Vườn Quốc gia Tràm Chim”, trở thành niềm vui và tự hào lớn của nhân dân Đồng Tháp.
NGÔ HUYỀN (thực hiện)
Bình luận