Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ năm, 15/06/2023 08:06
TMO - Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình đã và đang tích cực triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với các nhóm giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua đó năng suất, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi ngày càng được nâng cao; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại các địa phương dần được hình thành, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy Cao Bằng về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Nguyên Bình có nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khu du lịch sinh thái Kolia thuộc xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) do Công ty TNHH Kolia Cao Bằng đầu tư xây dựng, là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Được biết, một trong những giải pháp quan trọng được huyện Nguyên Bình triển khai để thúc đẩy thu hút đầu tư là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng áp dụng công nghiệp hóa trong nông nghiệp một cách toàn diện về mọi mặt trong sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao để thu hút các nhà đầu tư. Phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với các loại cây trồng có giá trị kinh tế như: trúc sào, dong riềng, chè chất lượng cao, cây ăn quả, dược liệu (cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng)... gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích thu hút những dự án nông nghiệp; phát triển mạnh các loại hình kinh tế hợp tác xã, trang trại, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm về chất lượng gắn với quảng bá sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu quế (xóm Xẻ Pản, xã Thịnh Vượng); Dự án phát triển cây ăn quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng (xã Quang Thành, Thành Công)...
Thời gian qua, để phát huy hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất, giúp bà con nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng, UBND huyện Nguyên Bình kết nối với các doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng trúc và cây dược liệu. Tăng thêm 313,6 ha trúc sào, nâng tổng diện tích trúc sào lên 2.237,2 ha. Diện tích trúc sào tăng thêm chủ yếu do mọc lan 271,3 ha, trồng mới 42,3 ha.
Người dân xã Ca Thành (Nguyên Bình) thu nhập cao từ cây trúc sào.
Với thảm thực vật phong phú, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây, huyện Nguyên Bình có tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, ú tầu, tam thất, hà thủ ô, gừng, nghệ, giảo cổ lam, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả...
Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, Huyện ủy Nguyên Bình triển khai Chương trình số 08-CTr/HU ngày 30/12/2020 về phát triển cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng, giai đoạn 2020 - 2025. Huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; xây dựng mô hình thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.
Cây quế tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình) sinh trưởng, phát triển tốt.
Tại xã Vũ Minh, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định quế là một trong những cây dược liệu cần tập trung đầu tư có trọng điểm theo hướng hình thành vùng sản xuất dược liệu gắn với liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vũ Minh Đinh Văn Ân cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã xác định cây trồng, vật nuôi thế mạnh cần tập trung ưu tiên phát triển giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có cây quế. Theo đó, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các xóm: Nà Khoang, Đoàn Kết, Vũ Ngược, Tân Thịnh… trồng cây theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đến nay trồng mới 34,66 ha quế. Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, chăm sóc cây trồng, thực hiện các cam kết tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Hà Văn Thuyên, xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh cải tạo đất đồi trồng 0,9 ha cây quế. Từ năm 2020 đến nay, sau hơn 2 năm trồng quế, hiện cây trồng đang phát triển tốt, có một số diện tích cây mọc gần 2 m. Qua tìm hiểu được biết, quế là loài cây đa tác dụng và có giá trị kinh tế cao. Vỏ và quả quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu, làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Trồng cây quế còn có tác dụng cải tạo đất, nhất là đối với đất bạc màu, đất dốc, đất trồng, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, gắn mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Hiện, gia đình ông Thuyên tích cực chăm sóc cây trồng theo quy trình kỹ thuật, thường xuyên phát quang cỏ dại để cây phát triển ổn định. Tuy nhiên, đây là loại cây lâu năm, mật độ và khoảng cách trồng quế của một số hộ dân ở đây hơi dầy, vì vậy khoảng 2 - 3 năm nữa gia đình sẽ khai thác tỉa thưa, tận thu bán sản phẩm cho thị trường.
Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Nguyên Bình đã đạt một số kết quả nhất định, năng suất, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi ngày càng cao; các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương dần được hình thành, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn; bước đầu thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tăng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Nông dân huyện Nguyên Bình tập trung phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.
Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 5%/năm; tổng sản lượng lương thực trên 19.000 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt đạt 34 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,8%; tổng đàn lợn tăng 4%/năm; đàn gia cầm tăng 7%/năm; đàn trâu, bò tăng 2%/năm.
Tiếp tục tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; phát triển thị trường đối với các sản phẩm miến dong, trúc sào, mía, thanh long, lê, quế, rau trái vụ… gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP.
Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2021, xã Tam Kim được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã Minh Tâm, Vũ Minh đạt thêm 2 tiêu chí; các xã còn lại hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí trở lên.
Thời gian tới, huyện Nguyên Bình tiếp tục thực hiện các mục tiêu: chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành hàng chủ lực; đẩy mạnh Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tạ Thành
Bình luận