Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ năm, 09/02/2023 07:02
TMO- Nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand cho thấy, khoảng 15 triệu người ở những vùng núi cao có thể rơi vào nguy cơ lũ lụt, nguyên nhân là do nhiệt độ gia tăng kéo theo các sông băng trên Trái đất tan chảy.
Theo nghiên cứu, các sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy ở tốc độ đáng báo động, tạo ra những hồ nước khổng lồ. Nước băng tan chảy lấp đầy vùng trũng do sông băng để lại, hình thành hồ sông băng. Khi nhiệt độ ấm lên và có thêm nhiều đoạn sông băng bị chảy, mực nước hồ dâng lên, đe dọa người dân sống ở vùng bên dưới. Nếu nước hồ dâng lên quá cao hoặc đất xung quanh bị sạt lở, hồ nước có thể tràn bờ, khiến nước và đống đổ nát dồn xuống chân núi.
Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ lũ lụt trên toàn cầu do các sông băng tan chảy với tốc độ nhanh chóng.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature Communications chỉ ra rằng khoảng 15 triệu người trên toàn cầu sống trong phạm vi 48 km quanh sông băng có thể bị đe dọa, những người sinh sống ở vùng núi cao châu Á và dãy Andes ở Nam Mỹ đối mặt với nguy cơ này cao nhất.
Kể từ năm 1990, số lượng và kích thước các hồ băng tan đã tăng nhanh. Tại Pakistan chỉ tính riêng trong năm 2022 có ít nhất 16 tai nạn vỡ bờ hồ sông băng ở vùng Gilgit-Baltistan phía bắc Pakistan, vượt xa 5 - 6 vụ trong những năm trước.
Nghiên cứu phát hiện khu vực dễ bị vỡ bờ hồ sông băng nhất là vùng núi cao châu Á, bao gồm Nepal, Pakistan và Kazakhstan. Trung bình, mỗi người trong vùng sống trong phạm vi 9,7 km quanh hồ sông băng. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong hai thập kỷ qua, sông băng trên dãy Andes tan chảy nhanh hơn do biến đổi khí hậu, tạo ra những hồ sông băng khổng lồ, làm tăng mối đe dọa từ lũ lụt do vỡ bờ. Bắc Mỹ và dãy Alp của châu Âu không phải khu vực nguy cơ cao bởi có ít người sống gần hồ sông băng.
Thu Thảo
Bình luận