Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ ba, 29/08/2023 13:08
TMO - Thực tế cho thấy, nước thải, khói bụi,…từ các cơ sở tái chế bao bì trong quá trình vận hành đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của các hộ dân sinh sống xung quanh các khu vực sản xuất này.
Bao bì tái chế là dạng bao bì được tái sử dụng để tạo ra các dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu, phế liệu bỏ đi hoặc đã qua sử dụng. Bao bì tái chế có thể đến từ các nguồn nguyên liệu như giấy, lọ nhựa, bao bì PP,… Việc tái chế bao bì đã đem lại những mặt tích cực như giúp giảm thiểu lượng rác thải, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại các cơ sở tái chế bao bì sẽ gây ra tác động tiêu cực tới môi trường nếu công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất không được giám sát, triển khai hiệu quả. Cụ thể, việc xả nước thải, khói bụi trong quá trình vận hành tái chế bao bì làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng của các loài sinh vật dưới sông. Nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất tại các cơ sở chủ yếu là nước thải, chất thải rắn.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, có thể lấy dẫn chứng cụ thể từ các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn xã Thái Hoà, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Theo như tìm hiểu của PV thì trên địa bàn xã Thái Hoà trước kia có tới 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu hoạt động từ những năm 2011. Tuy nhiên đến nay một vài cơ sở do không tìm được nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra nên đã tạm dừng.
Bao bì được tập kết tràn lan bên vệ đường.
Những cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn xã đa phần hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất vị trí chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất được bố trí ven bờ sông Nhơm. Ghi nhận của PV những ngày qua, các cơ sở ở đây đều để nước thải chảy ra sông Nhơm, các công nhân ở các cơ sở thì đều không có thiết bị bảo hộ theo đúng quy định.
Nước thải từ các cơ sở tái chế bao bì đổ ra sông Nhơm.
Hoạt động của các cơ sở tái chế bao bì gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân khu vực.
Việc các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn xã Thái Hoà hoạt động gây ô nhiễm môi trường đã từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá kiểm tra. Cụ thể tại kết luận kiểm tra số 710/KL – STNMT ngày 27/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với 27/28 cơ sở. Đối với các cơ sở trên, mức xử phạt cao nhất là 35 triệu đồng/ hành vi, thấp nhất là 25 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt là 792 triệu đồng. Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu 28/28 cơ sở dừng ngay việc xả nước thải chưa qua xử lý, xả bùn thải, chất thải rắn ra sông Nhơm; hoàn thiện các thủ tục liên quan đến ngành nghề kinh doanh, sử dụng đất, tài nguyên nước, công tác bảo vệ môi trường. Thu gom toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh đang đổ thải ra bờ sông Nhơm, khu thuê đất với xã,…
Kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá đối với các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã Thái Hoà.
Ngày 9/5/2023, UBND huyện Triệu Sơn cũng đã ra văn bản số 1893/ UBND -TNMT để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, cụ thể Chủ tịch UBND huyện yêu cầu: Đối với UBND xã Thái Hoà phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về việc để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng trện địa bàn, thực hiện nghiệm tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, xây dựng, bảo vệ đê điều trên địa bàn. Tiếp tục lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm các vi phạm đối với từng cơ sở giặt, tái chế bao bì đang hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, quỹ đất do UBND xã quản lý,….
Văn bản của UBND huyện về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng An, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hoà cho biết: “Các cơ sở tái chế chủ yếu tập trung ở các thôn Thái Yên, Thái Lai, Thái Phong. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng để tuyên truyền, vận động các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.
Từ những tồn tại của các cơ sở chế biến bao bì nêu trên, thời gian tới rất mong các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân khu vực này.
Khoản 3, Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định UBND cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của UBND cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa.
Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật.
Minh Anh
Bình luận