Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 08:11
Thứ ba, 26/10/2021 10:10
Mấy ngày trải nghiệm ở hai thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh, tôi đã hiểu được, lý do vì sao mà Hướng Hóa từng được ví là “Đô thị vàng” giữa núi rừng miền tây Quảng Trị. Nơi đây được kỳ vọng, sẽ là một chặng dừng chân lý tưởng trên con đường du lịch xuyên Á, thu hút nhiều nhà đầu tư... Nhưng khi kết thúc chuyến công tác, tôi còn nhận thấy rằng, muốn làm được, Hướng Hóa cần một cuộc cách tân mới.
Năng lượng điện gió đang được phát triển mạnh ở Hướng Hóa
Tiềm năng chưa được đánh thức
Hướng Hóa, hội đủ điều kiện để trở thành cửa ngõ quan trọng ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, khi nằm trọn ở điểm cuối đường 9, với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sầm uất bậc nhất miền Trung. Phần lớn diện tích đất ở Hướng Hóa là đất bazan màu mỡ đặc trưng của Tây Nguyên rất thuận lợi cho cây công nghiệp dài ngày. Những thế mạnh ấy, đang là điều kiện để Hướng Hóa phát triển nông nghiệp, năng lượng gió và làm du lịch.
Ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, những “dân góp” từ các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh… đã ngược rừng, đến với vùng đất này để khai khẩn. Họ đã biết tận dụng những lợi thế về đất đai, khí hậu để nhân rộng một loại cây làm nên thương hiệu nơi miền Tây Quảng Trị - cà phê chè Arabica thơm, ngon nức tiếng, nay đã được bảo hộ thương hiệu cà phê Khe Sanh.
Dù đã qua nhiều biến cố, nhưng cây cà phê vẫn được xác định, là một trong những cây chủ lực của Hướng Hóa. Cũng bởi thế, tổng diện tích cà phê chè Arabica hiện có gần 5.000ha, trong đó có hơn 3.500ha đang thu hoạch.
Chính tiềm năng lý tưởng về đất đai, khí hậu đang biến Hướng Hóa thành điểm đến cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, với các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như macca, dược liệu, cây ăn quả… Trên tuyến đường Hồ Chí Minh ngược ra Quảng Bình, giữa đỉnh đèo Sa Mù quanh năm mờ sương, đã có nhà đầu tư đặt trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hoá. Nơi đây, mỗi năm đã trồng thành công hàng nghìn chậu hoa lily thương phẩm, hoa tuylip và các loại cây trồng dược liệu cung cấp cho thị trường.
Hướng Hóa còn được biết đến, với vùng đất tiềm năng để phát triển năng lượng gió. Những lời mời gọi đầu tư, cùng với những chủ trương chính sách hỗ trợ từ Chính phủ “kéo” nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện gió từ vài MW đến hàng chục MW. Đi trên cung đường 9 ngược Lao Bảo, hai bên đường là những trụ điện gió đã được thi công xây dựng; tập trung ở các xã Tân Liên, Tân Lập, Tân Long...
Tham quan mô hình nông nghiệp sạch trên đỉnh đèo Sa Mù
Nói về tiềm năng du lịch, Hướng Hóa có thừa. Trong rất nhiều điểm đến ở Quảng Trị, du khách không thể bỏ qua những địa danh hấp dẫn ở huyện vùng biên này, như sân bay Tà kơn, nhà tù Lao Bảo, Du lịch biên mậu – thương mại tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo…
Đó là còn chưa kể đến, những danh thắng thiên nhiên kỳ thú, với những thác nước Tà Puồng, Chênh Vênh; hang động mang vẻ đẹp tự nhiên, huyền bí Prai; đèo Sa Mù... Những bản làng mang đậm văn hóa truyền thống của người DTTS Vân Kiều, Pa Cô đã tạo ra tiềm năng du lịch cộng đồng rất lớn.
Những tiền đề, những điều kiện để Hướng Hóa trở thành vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm tăng trưởng phía tây Quảng Trị đã có. Vấn đề phải làm tiếp theo là làm sao liên kết, liên doanh, hợp tác gắn với thu hút đầu tư hiệu quả.
Bắt đầu từ du lịch!
Vùng đất Hướng Hóa đầy tiềm năng, với nhiều sản vật nhưng để làm nên thương hiệu, “cho ra tấm, ra món” thì, vẫn chưa tương xứng, vẫn chưa được nhiều. Trên con đường 9, những mặt hàng nông sản như, chuối được bày bán la liệt và dường như cũng đang mang nặng tự phát, tiêu thụ nhỏ lẻ…
Lại nói về năng lượng điện gió. Những quả đồi bị phát trọc, ủi phẳng để lấy mặt bằng thi công dự án, kéo theo hàng trăm ha rừng biến mất, là hệ lụy cho rất nhiều năm sau. Lợi thế từ năng lượng gió, là ưu việt so với thủy điện, nhưng việc hàng loạt dự án điện gió ồ ạt thi công ngay chính trên vùng đất Hướng Hóa, đang bộc lộ nhiều bất cập không thể chối cãi. Cùng với dự án thủy điện đã được xây dựng và đang vận hành ở Hướng Hóa…; chúng tôi cảm tưởng, như đang băm nát quy hoạch rừng ở vùng giáp biên này.
Nhìn tổng thể, đời sống vật chất, tinh thần của Hướng Hóa đã có những bước tiến dài đáng kể. Trong 5 năm từ 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 12.690 tỷ đồng, đạt 162% so với chỉ tiêu nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng, tăng 15,4 triệu đồng so với năm 2015.
Nếu chỉ hành hương trên cung đường 9 hay trên đường Hồ Chí Minh, chúng ta thực sự ngỡ ngàng về một huyện giáp biên sầm uất.
Nhưng đó là vẻ bề ngoài. Đi sâu vào nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa; đời sống người dân vẫn còn rất nghèo. Xin dẫn một số ví dụ minh chứng rằng, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 tại các xã vùng xa như Hướng Việt hơn 74%, Ba Tầng hơn 48%, Hướng Lập hơn 47%…
Mấy ngày trải nghiệm ở hai thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh, tôi đã hiểu được lí do vì sao mà Hướng Hóa từng được ví là “Đô thị vàng” giữa núi rừng miền tây Quảng Trị. Nơi dây vốn được kỳ vọng sẽ là một chặng dừng chân lý tưởng trên con đường du lịch xuyên á, thu hút nhiều những nhà đầu tư...
Để đạt được như kì vọng ấy, huyện đã xác định nhiều chương trình, dự án trọng điểm; nhiều ngành, lĩnh vực đột phá để kích cầu. Trong đó, mục tiêu dài lâu mà Hướng Hóa đã xác định là lĩnh vực du lịch làm đòn bẩy, là mũi nhọn kinh tế của địa phương.
PV/Dantoc
https://baodantoc.vn/nguoc-mien-huong-hoa-1618280973258.html
Bình luận