Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Chủ nhật, 09/07/2023 06:07
TMO - Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) - cơ quan giám sát ngành vận tải hàng hải thế giới mới đây đã nhất trí đưa ra mục tiêu tham vọng hơn đối với nỗ lực cắt giảm phát thải khí CO2.
Được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề môi trường dưới sự ủy quyền của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển giải quyết các vấn đề như kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu được quy định trong Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL), bao gồm cả dầu, hóa chất vận chuyển với số lượng lớn, nước thải, rác thải và các loại khí thải từ tàu như chất gây ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính.
Phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển sẽ giải quyết một loạt thách thức, bao gồm: Giải quyết biến đổi khí hậu: Cắt giảm phát thải khí nhà kính từ tàu, trong đó có cả việc áp dụng chiến lược toàn cầu sửa đổi; hiệu quả năng lượng của tàu; quản lý nước dằn tàu (lượng nước giúp tăng thêm trọng lượng vào phần thấp hơn của tàu); quản lý bám bẩn sinh học, trong đó áp dụng các hướng dẫn sửa đổi; chỉ rõ các khu vực biển nhạy cảm; tiếng ồn dưới nước; xử lý rác thải biển; hoạt động chuyển tải giữa 2 tàu.
Ảnh minh họa.
Vừa qua, tại trụ sở của IMO ở London (Anh), cơ quan quản lý vận tải biển toàn cầu của Liên hợp quốc (LHQ) nhất trí cắt giảm tổng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm của ngành "ít nhất 20%, phấn đấu 30% vào năm 2030" và "ít nhất 70%, phấn đấu 80%, đến năm 2040" so với mức năm 2008.
Trước đó, cơ quan này đặt mục tiêu giảm 50% phát thải khí CO2 so với năm 2008 vào giữa thế kỷ 21. Phần lớn trong số 100.000 tàu chở hàng trên thế giới - chuyên chở 90% hàng hóa của thế giới - sử dụng nhiên liệu dầu diesel, vốn gây ô nhiễm cao. Điều này khiến vận tải hàng hải trở thành một trong số những ngành phát thải CO2 lớn nhất, gần bằng ngành hàng không.
Liên Hợp Quốc cho biết, lượng khí phát thải CO2 của ngành vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, song ngành này vẫn chưa đủ nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.Thời gian gần đây, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ trên biển và đất liền ở mức kỷ lục. Các chuyên gia khí hậu cho biết mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong ngưỡng 1,5 độ C đang trở nên xa vời vì những mục tiêu cắt giảm khí thải chưa đủ tham vọng.
Theo ước tính của các nhà khoa học, từ nay đến năm 2030, thế giới cần cắt giảm thêm khoảng 43% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 2019 để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra là duy trì tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thu Thảo
Bình luận