Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 19/03/2024 19:03
TMO - Bên cạnh các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ, chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định 1 số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ và thuế trực tiếp… cũng dang làm khó các doanh nghiệp gỗ trong nước.
Năm 2023 là năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam. Lạm phát tăng cao tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nên chính phủ các nước này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta. Trong khi đó, những khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách trong nước, điển hình là việc hoàn thuế giá trị gia tăng gặp nhiều khó khăn và chậm hoàn thuế, do mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc giấy tờ liên quan theo quy định của Bộ Tài chính; ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất của các doanh nghiệp. Một số làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như việc chuyển đổi sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp.
(Ảnh minh họa)
Theo thống kê, năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022; trong đó: giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,113 tỷ USD (giảm 17,5%), gỗ đạt 4,354 tỷ USD (giảm 12,4%), lâm sản ngoài gỗ đạt 1,002 tỷ USD (giảm 7,7 % so với năm 2022). Giá trị xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều giảm so với năm 2022. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,171 tỷ USD, giảm 28,3% so với năm 2022. Giá trị xuất siêu đạt 12,3 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 355 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2023; xuất siêu 2 tháng đầu năm ước đạt 2,465 tỷ USD.
Năm 2024, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,2 tỷ USD; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu trên, ngành sẽ kiểm soát và quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước.
Theo các chuyên gia, những thách thức mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2024 là bên cạnh các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ, chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định 1 số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ và thuế trực tiếp… cũng dang làm khó các doanh nghiệp gỗ trong nước. Do đó, các chuyên gia kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo dõi, tổng hợp thu thập tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới, kịp thời thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản biết, thực hiện; đồng thời, phản ảnh kịp thời những khó khăn, bất cập trong thực tiễn sản xuất liên quan đến cơ chế, chính sách để cấp quản lý xem xét, giải quyết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện ngành gỗ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ vấn đề logistics. Bên cạnh đó, vấn đề cạnh tranh thương mại đang diễn ra khốc liệt. Mặt khác, hiện nay nhiều nước nhập khẩu đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đưa ra quy định khắt khe. Do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau vượt qua khó khăn; kịp thời thông tin cho nhau về các cơ chế, chính sách, các quy định mới, tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới để có định hướng sản xuất phù hợp, cũng như có giải pháp tránh các rủi ro trong hoạt động. Bên cạnh đó, các hiệp hội và các doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang nước ngoài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; chú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đồng thời đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát và quản lý chặt chẽ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu gỗ Việt; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
BÙI HOÀNG
Bình luận