Hotline: 0941068156
Thứ ba, 24/12/2024 06:12
Thứ năm, 29/02/2024 16:02
TMO - Khu vực Nam Bộ sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3-4 với nhiệt độ cao nhất lên tới khoảng 39-40 độ C.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nắng nóng sẽ xuất hiện tại khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 5 ở khu vực Nam Bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 4-2024. Nhiệt độ trung bình phổ biến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3 đến tháng 5-2024 cao hơn khoảng 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Nam Bộ, trong đó có TP.HCM sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3 - 4. Dự báo nhiệt độ cao nhất của các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39 - 40 độ C, mùa cao điểm dự báo rơi vàng tháng 4 với số ngày nắng đạt 15-20 ngày/tháng. Dự báo trong tháng 3/2024, tổng lượng mưa tại TP. HCM sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.
Khu vực Nam Bộ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3-4 (Ảnh minh họa: QT).
Từ nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2024 là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa trên khu vực Nam Bộ. Đến tháng 5, khu vực Nam Bộ bước vào mùa mưa nhưng vẫn xuất hiện vài đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C.
Cường độ nắng nóng mạnh hơn, ít mưa, thời gian nắng nóng dài, độ ẩm không khí cao có khả năng sẽ gây ra hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Bộ. Đối với khu vực miền Tây thời tiết nắng nóng gây cạn kiệt nước ở kênh rạch nguy cơ sụt lún sạt lở.
Để ứng phó với nắng nóng, hạn hán, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước; phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
Các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Đức Hoàng
Bình luận