Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Thứ hai, 20/06/2022 14:06
TMO - Nhiệt độ trung bình tại khu vực phía Bắc trong tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 8-9, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Thời gian tới, nắng nóng có khả năng ngày càng cực đoan hơn.
Theo các chuyên gia khí tượng, trong tháng 7 có thể xuất hiện giá trị cực đoan liên quan nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo xác suất 70-80% khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37 độ C. Tuy nhiên, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.
Cũng theo giới chuyên gia, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 8-9, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Từ tháng 10-12, nhiệt độ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Tại khu vực Trung Bộ, nhiệt độ trung bình tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 8-9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; từ tháng 10-12, nhiệt độ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 7-9, nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Tháng 10-12, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Nắng nóng gay gắt, người lao động ngoài trời tìm mọi cách để hạ nhiệt.
Nắng nóng trong 3 ngày qua đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân Hà Nội, đặc biệt những người phải làm việc ngoài trời. Các chuyên gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng đang ở cấp 1.
Người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn. Nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...) để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Ngoài ra, người dân cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Phạm Yến
Bình luận