Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ năm, 24/03/2022 15:03
TMO – Thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường do tác động từ biến đổi khí hậu, nên việc xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó thiên tai, thảm họa sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Nhật Bản, gần như tất cả các thành phố nước này đều có "bản đồ nguy hiểm" thể hiện chi tiết những vùng có nguy cơ lở đất cao. Hầu hết những bản đồ này đều được đăng trên mạng. Các quy định trong luật của Nhật Bản cũng nghiêm khắc và người dân ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống thiên tai. Ở mỗi gia đình, cũng đều phải tự tích trữ trong nhà những vật dụng cứu hộ cơ bản gọi là "túi phòng chống thiên tai" với thuốc, khẩu trang, dây thừng, đèn pin và thực phẩm. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng thành lập những trung tâm cứu nạn riêng được trang bị: mũ bảo hiểm, lều trại, chăn chiếu, máy phát điện, đèn pin, thực phẩm... để kịp thời phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân trong lúc cấp bách.
Trong các quốc gia trên thế giới, Mỹ là một quốc gia phải gánh chịu nhiều thảm họa thiên tai. Trong vòng 5 năm qua, nước Mỹ đã thiệt hại gần 750 tỷ USD vì thiên tai và theo cảnh báo, tình hình có thể tiếp tục tồi tệ hơn nữa.
(Ảnh minh họa)
Tại mỗi vùng miền của Mỹ đều có những loại thiên tai đặc thù. Như ở New York thường có bão tuyết; tại California thường xảy ra động đất; tại Florida hay xảy ra lốc xoáy..., tại New York, cứ 5 năm cơ quan chức năng lại ban hành bản điều chỉnh cập nhật chiến lược và kế hoạch ứng phó thảm họa thiên tai. Các kế hoạch này được thể hiện chi tiết từng bước, quy định rõ trách nhiệm của từng đầu mối.
Ví dụ như, các cơ quan cảnh sát, quân đội, y tế, môi trường,... được phân công chi tiết theo từng mục việc. Bản đồ ứng cứu cũng được lập hết sức chi tiết và người dân dễ dàng tiếp cận được sự giúp đỡ. Đặc biệt, việc cảnh báo sớm được tổ chức rất tốt trên các kênh thông tin. Về phía người dân, họ được cung cấp các hướng dẫn xử lý sự cố, có phương án tích trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh,... và biết những nơi có thể trợ giúp họ, những đầu mối liên lạc khi gặp khó khăn trong trường hợp xấu xảy ra.
Trên toàn nước Mỹ, nhất là những khu vực dễ xảy ra tổn thương, thảm họa thiên tai, người dân hằng năm đều được diễn tập để tăng khả năng xử lý và ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, giảm nhẹ thiệt hại. Điều đáng nói, ý thức của người dân rất cao, họ luôn hợp tác với chính quyền, vì hiểu đây là điều quan trọng để bảo vệ mạng sống và tài sản của bản thân và cộng đồng.
Việc thực hiện công tác quy hoạch và chấp hành các quy hoạch đó cũng rất quan trọng. Nhiều nước đã phải tính đến quy hoạch ngay tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thí dụ nước Anh đang có Tài liệu hướng dẫn chính sách quy hoạch, nhằm đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để hạn chế cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, Australia đã xây dựng Sổ tay về quản lý thảm họa lũ quét và lở đất nhằm đưa ra quy định về quy hoạch, quản lý đất đai tại những khu vực có nguy cơ cao.
Tại Việt Nam, chúng ta vẫn tồn tại thực trạng, các quy trình ứng phó với thiên tai, thảm họa, thậm chí dịch bệnh chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, các tỉnh, thành phố, địa phương thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng được cơ chế, chính sách và phê chuẩn ngân sách cần thiết cho việc lập ra chiến lược, kế hoạch, và hướng dẫn trong việc chuẩn bị giải pháp ứng phó, ứng cứu một cách bài bản.
Tuy định hướng chiến lược và phương pháp lập kế hoạch, hướng dẫn ứng phó với thiên tai thảm họa mang tính chung, nhưng việc áp dụng rất cần được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố cần xác định những nguy cơ đặc thù mang tính địa phương, bởi mỗi địa phương có điều kiện hiện trạng và quy hoạch đô thị và nông thôn khác nhau, cho nên yếu tố nguy cơ thiên tai và thảm họa cũng sẽ khác nhau tùy theo khu vực.
Ở các khu vực dễ tổn thương, như khu vực có nguy cơ bị ngập do xả lũ hồ chứa thủy điện, khu vực dân cư mật độ đông đúc có nguy cơ cao về phòng cháy, chữa cháy, khu vực dân cư ở chân đồi núi dễ bị sạt lở, khu vực dân cư dễ ảnh hưởng cháy rừng,... rất cần có giải pháp đi kèm với các chính sách cụ thể, để bảo đảm an toàn cho người dân và ứng cứu kịp thời khi có sự cố.
Phạm Dung
Bình luận