Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 02/02/2022 20:02
TMO - Tháng 1/2022, tình hình kinh tế - xã hội có những dấu hiệu phục hồi. Điểm sáng từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho đến tình hình gia tăng của doanh nghiệp, duy trì thu hút đầu tư cũng như các chỉ số khác của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Nhâm Dần cũng như tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2022. Ngư dân tích cực ra khơi bám biển phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán.
Cụ thể, tính đến ngày 15/01/2022, cả nước gieo cấy được 1.909,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 104,9% cùng kỳ 2021. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 1, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 143,9 nghìn ha ngô, bằng 99,3% cùng kỳ 2021; 30,9 nghìn ha khoai lang, bằng 91,8%; 3,3 nghìn ha đậu tương, bằng 79,2%; 29,2 nghìn ha lạc, bằng 102,4%; 300,5 nghìn ha rau đậu, bằng 102,1%. Chăn nuôi bò trong tháng phát triển ổn định; tổng số lợn tăng 1,8%; tổng số trâu giảm 2,2%; tổng số gia cầm tăng 1,9.
Sản xuất nông nghiệp được kỳ vọng tạo đột phá trong năm 2022.
Cũng trong tháng 1/2022, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 7,3 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng thủy sản tháng 01/2022 ước tính đạt 589,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2021.
Về sản xuất công nghiệp, tháng 1 là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng 12/2021 và tăng 2,4% so với cùng kỳ 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng 12/2021 và tăng 2,4% so với cùng kỳ 2021.
Đáng mừng là, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2022 có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022. Trong tháng 01/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng 12/2021. So với cùng kỳ 2021, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động.
Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 01/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 01/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ 2021.
Hoạt động đầu tư trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến ngày 20/01/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2021.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2022 có 15 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 44,2 triệu USD, gấp 13,97 lần so với cùng kỳ 2021; có 02 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7,2 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 36,9 triệu USD, gấp 11,7 lần so với cùng kỳ 2021.
Trong tháng 1/2022, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 13% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 113,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán năm.
Báo cáo còn nhận định, tháng 1 là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch đều tăng so với tháng trước, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng 12/2021 và tăng 1,3% so với cùng kỳ 2021.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 34,59 tỷ USD, cao hơn 75 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 12/2021 và tăng 1,6% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 31,62 tỷ USD, thấp hơn 353 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2022 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 12/2021 và tăng 11,5% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng 01/2022, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc… Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 xuất siêu 3 tỷ USD; năm 2021 xuất siêu 4,08 tỷ USD; tháng 01/2022 ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Vận tải hành khách ước tính đạt 165,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,0% so với tháng 12/2021 và giảm 54,0% so với cùng kỳ 2021. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1 ước đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng 12/2021 và tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021.
Lê Hùng – Minh Nguyệt
Bình luận