Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ ba, 22/03/2022 10:03
TMO - Việt Nam đang triển khai Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương” với 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án). Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.
Phấn đấu đến năm 2030 giảm đáng kể rác thải nhựa đại dương.
Cụ thể, Đề án gồm 6 nhiệm vụ chính được đưa ra, gồm: Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; Bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập cơ chế điều phối; Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia. Đề án hướng tới mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án.
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương là rất quan trọng nhằm bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn kiên định và thống nhất về việc xây dựng một khung thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Cụ thể, tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó một trong những mục tiêu quan trọng Chiến lược đặt ra là đến năm 2030 ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Một trong những giải pháp trong Chiến lược là “Nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Lê Hùng
Bình luận