Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Chủ nhật, 03/11/2024 08:11
TMO – Theo Luật Thủ đô, việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo đó, Điều 19 Luật Thủ đô 2024 quy định rõ về quản lý, sử dụng không gian ngầm. Cụ thể: Việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc (Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan; Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Thành Nam)
Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn Thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định. Theo Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội có chức năng ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 28/6/2024 với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, do Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nên ngoài Luật này, Hà Nội vẫn chịu sự điều chỉnh của các luật, văn bản khác trong tổng thể hệ thống pháp luật.
K. LINH
Bình luận