Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 16:01
Thứ bảy, 31/12/2022 08:12
TMO - Tết Nguyên đán sắp tới gần, vào khoảng thời gian này tại các cơ sở sản xuất các loại bánh trên địa bàn xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang hối hả, tập trung sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường cho dịp Tết.
Làng nghề ẩm thực xã Khánh Thiện đã được hình thành từ hơn 100 năm nay. Năm 2014 địa phương được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện xã đã thành lập HTX ẩm thực Khánh Thiện với trên 20 hộ làm nghề bún, bánh, giò, chả,…
Một trong những sản phẩm nổi bật ở làng nghề ẩm thực xã Khánh Thiện là bánh đa vừng, bánh đa gấc. Nghề làm bánh đa vừng, bánh đa gấc lâu đời tại đây phải kể đến hộ sản xuất của ông Nguyễn Văn Goòng tại xóm Phong An, tính đến năm nay ông Goòng đã có 42 năm làm nghề. Chia sẻ về nghề này ông Goòng cho hay, nghề làm bánh đa rất vất vả, hàng ngày đều phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị các công đoạn cần thiết. Bên cạnh đó làm bánh đa cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào thời tiết, để bánh đa được ngon thì cần nhất là ánh nắng nếu ánh nắng đủ thì thu hoạch trong ngày là được sản phẩm tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Goòng có 42 năm kinh nghiệm làm nghề bánh đa vừng, bánh đa gấc.
Nguyên liệu làm bánh đa gồm gạo tẻ không dẻo, vừng và muối. Gạo được ngâm khoảng 2h, ngâm xong vo cho sạch, rồi đưa vào xay bột. Còn nếu làm bánh đa gấc thì trộn gấc với gạo trước khi đem đi xay, xay xong phải tráng bánh luôn nếu không sẽ bị chua, sau khi tráng bánh xong thì đem đi phơi khô ngay. Khi bánh đến độ khô vừa phải thì phải đóng gói và bảo quản, không được phơi quá khô vì bánh sẽ dễ bị vỡ, còn nếu bị ẩm thì bánh sẽ dai. Khi ăn thì phải đem đi nướng với than và lật đều để tránh tình trạng bị cháy. Đối với dịp giáp Tết thì mặt hàng bánh đa gấc thường bán chạy hơn do người dân có quan niệm mua bánh đa gấc có màu đỏ để lấy may cho cả năm.
Ngoài bánh đa thì làng nghề ẩm thực Khánh Thiện cũng rất phong phú với đầy đủ các loại bánh như: bánh nếp, bánh mật, bánh chưng, bánh rán,… Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm các loại bánh ông Dương Văn Thạch ở xóm Tây Phú cho hay, mỗi ngày gia đình ông gói khoảng 300 cái bánh trong đó chủ yếu là bánh chưng, bánh nếp, bánh mật, bánh rán. Vào dịp giáp Tết thì số lượng bánh còn lớn hơn gấp đôi, gấp ba để phục vụ nhu cầu thị trường.
Bánh mật, bánh nếp, bánh trưng được coi là đặc sản nổi tiếng của xã Khánh Thiện
Đều đặn mỗi ngày công việc đều bắt đầu từ lúc 2h chiều cho tới tận khuya thì mới xong. Để bánh được ngon thì quan trọng nhất là quá trình chọn nguyên liệu, bên cạnh đó là việc đun sao cho vừa phải để không bị nhũn cũng không bị cứng quá. Các loại bánh của hộ gia đình ông Thạch làm ra đến đâu thì bán hết tới đó. Các sản phẩm bánh ở Khánh Thiện luôn đem lại sức hút đối với người dân vì thế vào những dịp giáp Tết, các xã lân cận còn đến đặt hàng để đem đi phục vụ nhu cầu của người dân nhân dịp Tết Nguyên đán.
Làng nghề ẩm thực truyền thống xã Khánh Thiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn làm phát triển tình hình kinh tế cho địa phương. Bên cạnh đó cũng góp phần giữ gìn và phát huy nét ẩm thực độc đáo đã có từ hơn 100 năm nay tại địa phương.
Minh Anh
Bình luận