Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 17:01
Thứ năm, 30/12/2021 10:12
TMO - Những ngày này, khi Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, người dân làng lá dong đang tất bận chuẩn bị đưa những mớ lá ra thị trường, phục vụ người dân trong và ngoài khu vực. Lá dong không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn ẩn chứa trong đó nhiều cảm xúc.
Tại Hưng Yên, huyện Văn Giang là nơi trồng lá dong nhiều nhất. Những ngày này, làng lá dong Tuấn Dị và Quảng Châu đang phủ màu xanh mướt, lá dong ở đây có phiến lá dài và rộng, mỏng mà dai. Gói bánh bằng lá dong này, khi luộc chín, có màu xanh tự nhiên, vừa đẹp mắt lại thơm bùi đặc trưng.
Theo tìm hiểu, làng Quảng Châu có khoảng hơn 20 ha đất trồng cây lá dong, tập trung nhiều ở thôn 1 và thôn 3. Đây là cây trồng phụ nhưng mang về thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Mỗi sào trồng lá dong, một năm có thể cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, vào vụ Tết nếu được mùa có thể thu về 20 triệu đồng.
Với tổng diện tích khoảng 6 ha, nhiều hộ dân làng Tuấn Dị chia sẻ: Cây lá dong đã gắn bó với người dân Tuấn Dị gần trăm năm nay. Hiện làng chúng tôi có trên 500 hộ dân thì khoảng 300 hộ làm nghề trồng lá dong.
Tại Hà Nội, Những ngày cuối năm, làng lá dong truyền thống (thôn Tràng Cát, Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu vào chính vụ. Người dân tất bật cắt lá để kịp phục vụ nhu cầu gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán. Người dân cho biết, thu nhập từ trồng lá dong cao hơn các loại hoa màu khác.
Bà Trần Thị Lành, một trong những hộ trồng lá dong nhiều năm cho biết, trồng lá dong cũng không đơn giản như nhiều người tưởng, tuy nhiên khi bán lại cho thu nhập cao nên nhiều gia đình coi đây là nghề chính. “nhà tôi trồng lá dong nhiều năm nay, tôi gắn bó với nghề này thu nhập cũng chỉ là một phần thôi, cái chính là tôi thích, vì mỗi khi nhìn thấy lá dong trong tôi lại gợi nhớ đến Tết Truyền thống của ông bà, tổ tiên để lại”, bà Lành nói.
Thôn Tràng Cát có hơn 300 hộ trồng lá dong, với diện tích hơn 200 mẫu. Để kịp thời thu hoạch, các gia đình phải huy động toàn bộ thành viên hoặc thuê thêm người để cắt lá. Ba người có thể cắt được hơn một sào lá trong một ngày.
Mỗi vườn lá dong có thể thu hoạch hơn ba vụ trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Người dân sử dụng dao nhỏ sắc bén (dao bổ cau) rồi cắt cuống lá sát gốc. Thời điểm đầu vụ, giá dao động từ 50.000 đến 90.000 đồng/100 lá tùy thuộc vào to hay nhỏ. Mỗi sào nếu được mùa có thể cho thu hoạch khoảng 5 vạn lá, tương đương 30 triệu đồng.
Tại Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ được biết đến là vùng trồng nhiều lá dong nhất Tỉnh, những ngày cuối năm khi nhu cầu sử dụng loại lá này để gói bánh chưng Tết vào lúc đỉnh điểm thì thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ vào chính vụ.
Nơi đây cả ngày không khí luôn tất bật rộn ràng để thu hoạch lá phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thậm chí người mua còn tìm đến tận nơi, mua hẳn những luống lá để chọn cho ưng ý.
Lá dong tại thôn Vĩnh Phúc phiến to, màu xanh đẹp, dễ gói bánh nên được khách hàng ưa chuộng. Từ ngày đầu tháng Chạp tới ngày cận Tết được coi là “thời điểm vàng” khi làng lá dong bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính.
Nghề trồng dong hình thành ở địa phương lâu năm với diện tích hàng chục ha. Những khu vực đất ven nhà, dọc bờ suối, đất hoang hoặc nơi khó phát triển các loại cây hoa màu, đều được người dân phủ xanh bằng cây dong. Toàn thôn có 125 hộ trồng, hộ trồng ít nhất là 300 m2, hộ nhiều nhất là hơn 1.000 m2.
Lá dong rất dễ trồng, ít phải chăm bón, nếu trồng ở những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù họp thì lá sinh trưởng tốt. Lá thường được dùng để gói bánh chưng và nhiều loại bánh khác như: bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ…
Mỗi dịp tết đến xuân về, trên những mâm cỗ cúng gia tiên mỗi gia đình Việt không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Để gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, không thể không nhắc đến người dân ở những làng lá dong này.
Lan Ngọc - Yến Nhi
Bình luận