Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ bảy, 14/05/2022 20:05
TMO - Liên kết vùng bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất nếu 'Trung tâm' đi vào vận hành, khai thác.
Theo đó, việc hình thành "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ" với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ giúp liên kết vùng bao gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung tâm.
Ngoài ra, Trung tâm còn mang tính dẫn dắt, định hướng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng. Đồng thời, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản Đồng bằng sông Cửu Long thông qua nền tảng thương mại số, mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác.
(Ảnh minh họa)
Đây cũng là trung tâm chế biến của vùng, gồm các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hoạt động theo cơ chế thông minh hóa với các lĩnh vực chế biến như: lúa gạo, rau quả, thủy sản. Đồng thời là trung tâm logistics của cả vùng phục vụ xuất khẩu gồm: các kho lạnh, kho tổng hợp, kho ngoại quan; thông quan, kiểm hóa; các dịch vụ logistics; tích hợp đa phương thức vận tải.
Trung tâm này còn có chức năng nghiên cứu, phát triển, hội tụ các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất trong vùng...
Quy mô của Trung tâm dự kiến đến năm 2050 là 3.300 ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, gồm các phân khu: cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu với 100 ha; phi thuế quan 100 ha; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ 25 ha; khu sản xuất, chế biến với 215 ha.
Về xây dựng hạ tầng, trung tâm mời gọi các nhà đầu tư năng lực và uy tín đảm bảo hình thành hạ tầng của trung tâm vừa thuận tiện trong vận tải hàng hóa đến và đi từ mọi hướng và mọi phương thức. Trung tâm sẽ là một công trình biểu tượng khoa học công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo giới chuyên gia, trên thế giới đã phát triển khá mạnh những mô hình liên kết cụm ngành, trung tâm kết nối, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nông sản, quản lý tốt nguồn cung, kết nối các lĩnh vực, hình thành trung tâm cung cấp hỗ trợ dịch vụ, kết nối thị trường, tạo việc làm, nâng cáo giá trị kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng, với Việt Nam, đây là mô hình mới nên cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến phát triển các trung tâm, chợ đầu mối, các cụm ngành và tính liên kết trong sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản và các dịch vụ hỗ trợ; trong đó có logistics.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi cũng như đề nghị làm rõ mô hình hoạt động của trung tâm là gì? Việc vận hành trung tâm ứng dụng và phát triển một số dịch vụ như đấu giá, phát triển sàn giao dịch sẽ như thế nào? Có xây dựng cơ chế PPP trong một số hạng mục đầu tư không...(?)
Phương Điền
Bình luận