Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ ba, 18/02/2025 18:02
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Đạ Hàm thuộc huyện Đạ Huoai (huyện mới được sáp nhập từ 3 huyện phía Nam Lâm Đồng) với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện trong vòng 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn ngân sách tỉnh. Quy mô của dự án gồm nhiều hạng mục như nâng cấp đỉnh đập, đường quản lý, vận hành; gia cố tràn xả lũ, cống lấy nước; kiên cố hoá hệ thống kênh dẫn nước dài khoảng 1,3 km; bố trí thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn…
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, kết nối đồng bộ hệ thống tưới nhằm chủ động cấp nước tưới cho 327 ha đất canh tác nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Đạ Hàm (Ảnh minh họa).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng hồ chứa nước Đạ Hàm được đầu tư xây dựng từ năm 2003 với nhiệm vụ cấp nước tưới cho 425 ha đất trồng lúa xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh trước đây, nay là huyện Đạ Huoai). Công trình hiện tại cấp nước tưới cho 327 ha đất canh tác thuộc xã An Nhơn và vùng lân cận.
Tuy nhiên, qua thời gian khai thác đến nay, công trình hồ chứa nước Đạ Hàm đang hư hỏng xuống cấp. Đó là khu vực mái hạ lưu bị sụt lún, xuất hiện nhiều ổ mối, hệ thống rãnh thoát nước ngang, dọc và rãnh thoát nước chân đập bị bồi lấp, không còn khả năng thoát nước. Phần nhà tháp van thượng lưu đã bong tróc mạch vữa, lan can cầu công tác bị hư hỏng. Kênh hạ lưu sau tràn bị thu hẹp, không còn khả năng thoát lũ, gây úng cục bộ vào mùa mưa.
Với tuyến đường nối từ ĐT 721 kết thúc tại đập hồ Đạ Hàm chiều dài 1.355 m kết cấu bê tông nhựa trên lớp đá cấp phối, chiều rộng nền đường 5 - 5,5 m, mặt đường 3,5 m cũng bị xuống cấp, gây khó khăn cho giao thông trong khu vực. Riêng đoạn đường từ vai trái đập đến tràn xả lũ dài khoảng 700 m thường xuyên lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa khô. Ngoài ra, hệ thống kênh kiên cố hóa chưa đồng bộ, một số tuyến kênh bằng đá xây bong tróc, sụt lún, gây thất thoát nước như: kênh chính 100 m, kênh N2 450 m, kênh N1-3 800 m...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 444 công trình thủy lợi, trong đó có 230 hồ chứa, liên hồ chứa; 79 đập dâng, 13 cống dâng; 19 trạm bơm; 91 đập tạm. Hệ thống công trình này đã chủ động cấp nước tưới cho gần 55 nghìn ha đất canh tác. Qua rà soát hiện có 62 công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau chưa được thi công nâng cấp, sửa chữa. Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nhu cầu nâng cấp sửa chữa các công trình hồ đập thủy lợi trên toàn tỉnh là khá lớn, ước cần 515 tỷ đồng cho 59 công trình.
Tuy nhiên hiện mới có 3 công trình đã xác định được nguồn vốn còn lại 59 công trình chưa được bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí dự kiến khoảng 515 tỷ đồng. cùng với đề xuất bổ sung nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa, các địa phương có công trình hồ đập thủy lợi xuống cấp đã và đang chủ động rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn trước mắt đối với các công trình này.
Lê Kiên
Bình luận