Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Thứ tư, 13/03/2024 19:03
TMO – Với đường bờ biển dài, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch hiện còn nhiều thách thức.
Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển; có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...
Đối với du lịch biển và kinh tế đảo, Việt Nam được đánh giá sở hữu nhiều cảnh quan biển, đảo đẹp, kể cả cảnh quan ngầm dưới đáy biển ở các vùng rạn san hô, cùng với khoảng 125 bãi cát biển, trong đó có trên 20 bãi biển đạt tầm quốc tế về cả quy mô và hình thức. Một số bãi biển của nước ta đã được các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn là những bãi tắm đẹp nhất thế giới, như bãi biển Đà Nẵng, Lăng Cô, Nha Trang… Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới như: vịnh Hạ Long, vịnh Lăng Cô,…
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) - một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều đảo và đảo là một loại hình hệ sinh thái đặc thù, chúng hợp thành các tuyến đảo, cụm đảo, quần đảo và hệ thống đảo quốc gia. Các đảo của nước ta phân bổ tự nhiên thành các tuyến và nhìn từ đất liền ra biển, đây là những “phên dậu” bảo vệ lãnh thổ đất liền của Tổ quốc, ngoài cùng “tấm bình phong” Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, về mặt chủ quyền có thể ví mỗi hòn đảo như một cột mốc chủ quyền tự nhiên của quốc gia, về mặt an ninh, quốc phòng, mỗi hoàn đảo như một “chiến hạm không thể đánh chìm” và về ý nghĩa kinh tế, mỗi hòn đảo là một “viên ngọc xanh” của Tổ quốc ta.
Vùng biển và hệ thống các đảo của Việt Nam là nơi tập trung nhiều di sản được thế giới công nhận, nhiều khu dự trữ xinh quyển, nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều di tích văn hoá - lịch sử… Ngoài ra, những đảo ven bờ có diện tích lớn, đông dân cư như Phú Quốc, Cái Bàu, Cát Bà, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo… là những không gian lãnh thổ có tiềm năng lớn cho phát triển ngành du lịch biển, cũng là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với các lợi thế tự nhiên đa dạng và phong phú cho phát triển các “chuỗi đô thị đảo” - nền tảng cho một ngành kinh tế đảo trong tương lai gần.
Nhiều cụm đảo ở nước ta có thể xây dựng, phát triển thành các trung tâm kinh tế biển - đảo và dịch vụ hậu cần cho các hoạt động biển xa nói chung và cho các hoạt động khai thác biển, cũng như hoạt động du lịch biển, đảo nói riêng. Các cụm đảo và khu vực ven biển nước ta kết hợp tạo ra những khu vực có lợi thế địa lý rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
Nhiều loại hình phát triển kinh tế ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)
Các khu kinh tế đảo sẽ đóng vai trò như những cực phát triển trong không gian kinh tế biển và có thể tạo ra tác động lan toả đến các vùng biển xung quanh. Đồng thời, đây cũng đóng vai trò là các “điểm kết nối” quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển phía ngoài. Trong số hơn 3.000 đảo, chỉ có khoảng 70 đảo có cư dân sinh sống, phần lớn còn lại là các đảo nhỏ, hoang sơ. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, xung quanh các đảo, đặc biệt là các đảo nhỏ còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển du lịch biển - đảo và nghề cá nói chung, nghề cá giải trí nói riêng. Trên nhiều đảo cũng có các làng cá, di tích văn hoá, và lịch sử thuần Việt, góp phần hình thành các giá trí du lịch nghề cá và “văn hoá biển - đảo thuần Việt” mà đến nay chưa được khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Với tiềm năng như vậy, ngoài kinh tế đảo, Việt Nam có thể phát triển du lịch biển, đảo với các hình thức chủ yếu, gồm tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển; tham quan các di tích lịch sử văn hoá, tham quan cảnh quan biển, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ven biển và các khu dự trữ sinh quyển. Các khu vực tiềm năng và ưu tiên cho phát triển du lịch biển ở nước ta là: vùng ven biển Bắc Bộ (tập trung là Hạ Long – Cát Bà - Đồ Sơn), vùng ven biển Bắc Trung Bộ (tập trung là Huế - Đà Nẵng và khu vực phụ cận), vùng ven biển Nam Trung Bộ (tập trung là Vân Phong – Nha Trang – Ninh Chữ), vùng ven biển - đảo Đông Nam Bộ (tập trung là TP. Hồ Chí Minh – Côn Đảo – Vũng Tàu – Long Hải), và vùng ven biển - đảo Tây Nam Bộ (tập trung là Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc).
Ngoài tiềm năng phát triển du lịch biển, kinh tế đảo. Với lợi thế bờ biển dài, nhiều lĩnh vực khác cũng được cho là lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Như: Nuôi trồng, khai thác thủy hải sản; Cảng biển, hàng hải; Tài nguyên khoáng sản (dầu khí); Năng lượng tái tạo (điện gió)… Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh từ biển cũng đặt ra không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bài tiếp: [Kinh tế biển] Những thách thức trong phát triển kinh tế biển (Bài 2)
TÚ QUYÊN
Bình luận