Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ tư, 31/08/2022 10:08
TMO - Tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ.
Trước thực trạng xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu “đóng cửa” hoặc treo biển “hết hàng, nghỉ bán”, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo, thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Tập trung kiểm tra cơ sở có dấu hiệu "găm hàng"
Về nội dung làm việc, đoàn tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… nhưng chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương yêu cầu: Quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật; chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.
Hôm 29/8, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương ban hành văn bản chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố trước hiện tượng “găm hàng” xăng dầu. “Nếu xảy ra tình trạng hết hàng, hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức”. Trong trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các Cục Quản lý thị trường phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý… nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.
Kiểm tra hoạt động xăng dầu trên toàn quốc.
Về xử lý tình huống hết hàng, đóng cửa, đề nghị các Cục (hoặc giao cho Đội Quản lý thị trường) ban hành quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này làm rõ lý do, nếu vì lý do các thương nhân cung ứng xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý) không cung ứng đủ hàng thì làm việc tiếp với các thương nhân cung ứng này (nếu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh), nếu ngoài tỉnh thì phối hợp với Cục Quản lý thị trường nơi có trụ sở của thương nhân cung ứng xăng dầu làm việc để làm rõ nguyên nhân. Nếu các thương nhân cung ứng xăng dầu có vi phạm phải được xử lý nghiêm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.
Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm. Đảm bảo phải kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Đội Quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
Lực lượng chức năng kiểm tra hầm chứa xăng của một cửa hàng treo biển hết hàng. Ảnh: Nguyễn Khánh
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến hôm 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá ổn định hơn so với tất cả nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung. Hiện giá xăng dầu cũng cơ bản giữ được mức ổn định và luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhờ sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ Bình ổn xăng dầu.
Lê Hùng
Bình luận