Hotline: 0941068156

Thứ hai, 25/11/2024 15:11

Tin nóng

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Thứ hai, 25/11/2024

Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Thứ sáu, 19/07/2024 07:07

TMO - Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. 

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng năm 1958, gồm sông, đập dài hơn 230km, trạm bơm, đê điều phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho bốn tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước thải sinh hoạt từ các đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm khoảng 72%) của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bên cạnh đó là nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi. Phần lớn những cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có chiều dài 34,5 km, qua 5 huyện, thị xã, là hệ thống thủy lợi quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 38.000 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, 12.000 héc-ta nuôi thủy sản và cung cấp nguồn nước cấp sinh hoạt cho khoảng 500 nghìn người dân trong tỉnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước mặt của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các sông nhánh (sông Như Quỳnh, Bần Vũ Xá, Cầu Lường và kênh Trần Thành Ngọ) từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023) do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã tiến hành 10 đợt lấy mẫu với tổng số 250 mẫu, có 150/250 mẫu vượt và có 760/3.250 thông số vượt quy chuẩn, như: TSS vượt từ 1,01-39,04 lần; COD vượt từ 1,006-1,64 lần; BOD5 vượt từ 1,01-1,91 lần; NH4+ vượt từ 1,02-4,22 lần; PO43- vượt từ 1,03- 19,7 lần; NO2- vượt từ 1,02- 14,34 lần; Mn vượt từ 1,03-3,14 lần; Coliform vượt từ 1,0- 2,27 lần… so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột B1). 

Sở TN&MT tỉnh chú trọng công tác quan trắc chất lượng nguồn nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa phận của tỉnh. 

Để bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, từ năm 2017 đến nay, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thực hiện định kỳ việc lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu UBND tỉnh quy định các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải trên 100 mét khối/ngày đêm phải lắp đặt, hệ thống quan trắc tự động, đến nay đã có 18  cơ sở lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu về sở để kiểm tra, giám sát.

Việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất trong tỉnh được đặc biệt quan tâm những năm gần đây. Các khu đô thị mới xây dựng trong tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải.Đồng thời đã xây dựng, vận hành 4 công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở các khu dân cư với tổng công suất 7.690 mét khối/ngày đêm tại các huyện: Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên.

Bên cạnh đó, tỉnh từ chối tiếp nhận dự án có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải (sơn, mạ, giặt mài, thuộc da, tái chế kim loại…). Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã từ chối 18 dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2010, tỉnh quy định các dự án đầu tư vào địa bàn phải thực hiện xử lý nước thải đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; cam kết thực hiện xử lý nước thải sản xuất, sinh hoạt đạt Quy chuẩn kỹ thuật của tỉnh về môi trường với yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý cao hơn so với cột A. Có 6/7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định.

Để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, tỉnh Hưng Yên đang duy trì vận hành 6 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên các sông, tổ chức theo dõi, phân tích, đánh giá dữ liệu quan trắc tự động để theo dõi diễn biến chất lượng nước.

Thời gian tới, địa phương này tiếp tăng cường triển khai giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; tập trung rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng. 

Triển khai có hiệu quả đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt.

Ngành chức năng tỉnh chú trọng kiểm soát chất lượng nguồn nước thải đã qua xử lý tại các KCN trên địa bàn trước khi xả thải.  

Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt các cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Có kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo và tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quyết liệt đối với các nguồn thải lớn vào hệ thống Bắc Hưng Hải và sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa theo đúng quy định của pháp luật. 

Đối với Công an tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị đơn vị chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, chất thải chứa nhiều nguyên tố nguy hại cho môi trường, khó xử lý. Phối hợp với Sở Tài chính rà soát nhu cầu đầu tư, xây dựng, cải tạo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Tham mưu UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư phải sử dụng công nghệ xử lý thân thiện môi trường nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi, giám sát chất lượng, lưu lượng nước thải xả từ cống Xuân Thụy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để kịp thời đưa ra giải pháp kiến nghị, xử lý nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định.

UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng sông thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, yêu cầu hoàn trả hiện trạng lòng sông.

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần xác định, xây dựng các điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải; tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tiến hành xã hội hóa việc thu gom rác thải; lựa chọn rà soát các đơn vị thu gom rác thải đủ điều kiện, khả năng tiềm lực thực hiện; tổ chức tốt việc tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc xã hội hóa thu gom rác cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi, sông ngòi nói chung và sông Bắc Hưng Hải nói riêng để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về xả thải; kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các dự án, doanh nghiệp không có giấy phép môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định; xem xét rút giấy phép hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, gây bức xúc tại địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.

 

 

Nguyễn Hạnh

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline