Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 03:11
Thứ sáu, 23/02/2024 08:02
TMO – Khánh Hòa yêu cầu tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, môi trường vịnh Nha Trang. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến hệ sinh thái rạn san hô.
Là một khu bảo tồn biển (KBT) đầu tiên của cả nước được thành lập năm 2001, KBT biển Hòn Mun sau đổi thành KBT Vịnh Nha Trang năm 2005, đã hội tụ các giải pháp quản lý ngăn chặn các tác nhân, hành vi gây hại cho các hệ sinh thái biển; bảo vệ, phát huy giá trị các hệ sinh thái biển; phát triển cộng đồng; phát triển các sinh kế thay thế, ngành nghề mới; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch…; nâng cao nhận thức cộng đồng cư dân và du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển; nâng cao thu nhập, đời sống cộng đồng. Thực sự là một hình mẫu phát triển kinh tế biển xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên biển đảo.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160 km2 bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo. Vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển của Việt Nam. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam với hơn 350 loài san hô cứng tạo rạn trong đó có 40 loài mới được ghi nhận cho Việt Nam, trên 230 loài cá rạn, 112 loài thân mềm, 112 loài giáp xác, 27 loài da gai, 69 loài rong và 7 loài cỏ biển...
(Ảnh minh họa)
Nghiên cứu phân vùng khu bảo tồn vịnh Nha Trang
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND TP. Nha Trang về việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện trong năm 2024 là triển khai đề án “Nghiên cứu phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”. Nghiên cứu đưa khu vực Đầm Tre – Hòn Tre vào phương án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố làm cơ sở thành lập bãi rùa đẻ thuộc Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Cùng đó xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên” nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân sống trên vịnh Nha Trang.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải
Đồng thời tiến hành rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển ở Hòn Mun, Hòn Chồng có san hô đang phục hồi và đánh giá tình trạng rạn san hô ven bờ Khánh Hòa… Đặc biệt, chú trọng kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND thành phố Nha Trang tiếp tục triển khai các nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo phương hướng thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024 đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về công tác bảo vệ hệ sinh thái, môi trường vịnh Nha Trang. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến hệ sinh thái rạn san hô.
Cương quyết không để phát sinh lồng, bè nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực được phép nuôi trồng; đảm bảo phục hồi vịnh Nha Trang theo đúng yêu cầu của kế hoạch đề ra; kịp thời báo cáo, tham mưu các nội dung cần giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phục hồi vịnh Nha Trang. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng dùng nhựa một lần, giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu trong dịp Festival Biển, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
HOÀI AN
Bình luận