Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 10:01
Thứ năm, 04/04/2024 08:04
TMO – Các địa phương cần chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.
Những năm qua, với sự chủ động ứng phó, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế được thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn giúp các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, nhất là việc khoanh vùng đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng như điều chỉnh thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Các địa phương đã chủ động nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, xây dựng các công trình kiểm soát mặn giúp hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích tự nhiên 4 triệu ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm gần 3 triệu ha. Đây là vùng đất trù phú, có tiềm năng và lợi thế về sản xuất xuất nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp so với cả nước chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70%. Qua thống kê, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mekong, chỉ có 5% từ nội sinh. Trong thời kỳ mùa khô, từ tháng 12 đến hết đầu tháng 5 hằng năm, nguồn nước ở khu vực này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong.
Công nhân lắp đặt đường ống dẫn nước.
Trước đó, cơ quan chức năng dự báo mùa khô 2023-2024, nguồn nước về vùng ĐBSCL có khả năng thiếu hụt từ 10 đến 15% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long. Theo nhận định, với mức xâm nhập mặn vào sâu như hiện nay, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển ở nhiều địa phương trong vùng.
Do đó, để chủ động ứng phó nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, trong Chỉ thị mới đây về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chức năng xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.
LÝ LAN
Bình luận