Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ ba, 24/10/2023 14:10
TMO - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên môi trường, nguồn nước và nhất là sông Sa Lung, thanh tra, kiểm tra hồ sơ các công ty, hướng đến quan trắc tự động để kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước tại khu vực này.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, mục đích sử dụng nước hiện tại của sông Sa Lung chủ yếu là cấp nước tưới cho 419 ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh); cấp nước phục vụ sản xuất trong lưu vực, vùng thượng nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho thị trấn Bến Quan và một phần khu dân cư xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) với lưu lượng 2.000 m3/ngày đêm. Nhằm kiểm soát, giám sát chất lượng nguồn nước tại khu vực này từ năm 2019 , Sở TN&MT đã thực hiện thanh tra và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện bổ sung hệ thống xử lý theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, hạn chế tối đa thải nước thải ra môi trường.
Từ tháng 4/2023, người dân huyện Vĩnh Linh đã phản ánh việc nguồn nước trên sông Sa Lung có màu đen, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi trồng thủy sản và đời sống. Tháng 5 - 6/2023, Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ xả thải vào lưu vực sông Sa Lung gồm: Nhà máy giấy của Công ty CP Bắc Trung Bộ, Cơ sở chế biến cao su của Công ty TNHH MTV Trần Dương, Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị, Cơ sở chế biến đùn hạt nhựa PP, PE của Công ty TNHH Cường Anh.
Căn cứ kết quả kiểm tra các đơn vị sản xuất, kết quả quan trắc nước sông, Sở TN&MT đã nhận định chất lượng nước sông Sa Lung diễn biến xấu vào một số thời điểm cho thấy đã có xả thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép từ sản xuất công nghiệp, chăn nuôi vào nguồn nước sông.
Trên 260ha nuôi tôm ở một số địa phương tại huyện Vĩnh Linh đều lấy nguồn nước ở hạ nguồn sông Sa Lung chết hàng loạt. Kết quả quan trắc nước sông cho thấy nhiều chỉ số vượt quá ngưỡng cho phép. Ảnh: VD.
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Linh, năm 2023, toàn huyện thả nuôi gần 270ha tôm thì đến cuối tháng 8/2023 có tới 263ha tôm tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Hòa bị chết. Các hộ nuôi tôm ở đây đều lấy nguồn nước ở hạ nguồn sông Sa Lung. Sau khi người dân phản ánh, Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã lấy mẫu nước tại một số điểm trên sông Sa Lung. Kết quả cho thấy, nhiều chỉ số vượt quá ngưỡng cho phép.
Trong tháng 9 – 10/2023, tổ công tác địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện một số đơn vị có hành vi xả nước thải có các thông số vượt Quy chuẩn cho phép ra môi trường gồm: Nhà máy chế mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Nhà máy giấy của Công ty CP Bắc Trung Bộ. Sở TN&MT đã phối hợp với địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và UBND huyện Vĩnh Linh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền với mức xử phạt 50 triệu đồng.
Đối với Công ty CP Bắc Trung Bộ, Công an huyện Vĩnh Linh đã lập biên bản vi phạm hành chính, đang trình UBND huyện xem xét xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Sở TN&MT, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị dừng xả thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép để khắc phục. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Công ty CP Bắc Trung Bộ; Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Trần Dương đã thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, tu sửa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Đối với nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, nuôi tôm, UBND huyện Vĩnh Linh đang tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh.
Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị) vừa thông báo kết quả giám sát chất lượng nước hệ thống công trình thủy lợi Sa Lung. Theo đó, vào đầu tháng 10/2023, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước ở hệ thống công trình thủy lợi Sa Lung (huyện Vĩnh Linh). Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng nước có nhiều biến động, không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước. Thậm chí, không thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nếu không có các biện pháp xử lý phù hợp.
Vì vậy, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị khuyến cáo người dân trong việc lấy nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và các nhu cầu dùng nước khác từ công trình thủy lợi Sa Lung. Bên cạnh đó, đơn vị trên kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị kiểm tra, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Sa Lung, đặc biệt là phía thượng lưu công trình thủy lợi Sa Lung; kiểm tra việc thực hiện đảm bảo môi trường nước xả thải đối với các cơ sở sản xuất, chế biến ở thượng lưu công trình thủy lợi Sa Lung; có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời trong trường hợp nguồn xả thải vào công trình trái phép và không đảm bảo theo quy định về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu trong việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực môi trường tại sông Sa Lung. Ảnh: NL.
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải có trách nhiệm, thái độ xử lý rõ ràng; không được thờ ơ, vô cảm trước những phát hiện của người dân. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sa Lung.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ở ven sông Sa Lung cần đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường; trường hợp cố tình xả thải gây ô nhiễm thì xử phạt, tạm dừng hoạt động để khắc phục. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh phải tuân thủ nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra về môi trường, đặc biệt là nguồn nước; kiên quyết xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Đối với vi phạm của các đơn vị sản xuất công nghiệp dọc sông Sa Lung, yêu cầu Sở TN&MT xem xét lại mức xử phạt đảm bảo tính răn đe. Nghiên cứu, tham mưu trong việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Phan Hoài
Bình luận