Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 07:11
Thứ hai, 08/04/2024 21:04
TMO – Nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thuỷ lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020. Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các mức độ khác nhau. Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp. Riêng với cây lúa, toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023.
Dự báo từ nay đến đầu tháng 5 tới, khả năng xuất hiện 3 đợt mặt. Ảnh minh họa.
Các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%. Các vùng cây ăn trái vẫn an toàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng vẫn xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn sâu ở ĐBSCL trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; khẩn trương kết nối các hệ thống thuỷ lợi ở ĐBSCL theo lưu vực sông, tiến tới người dân mở điện thoại di động cũng có thể biết được thời điểm phù hợp để lấy nước vào ruộng lúa, vườn cây; nhân rộng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ mỗi hộ gia đình, cụm dân cư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu thuỷ văn toàn vùng ĐBSCL; tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống thiên tai; khẩn trương công bố và cập nhật kịch bản nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mekong…
Các chuyên gia cho rằng, với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt. Do đó, cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn... theo quy hoạch và điều tiết hài hoà nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển, với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Rà soát các dự án cấp bách, đáp ứng được các mục tiêu chung, mang tính hiệu quả cao, có thể giúp vùng chuyển nhanh sang trạng thái phát triển bền vững.
MỸ PHỤNG
Bình luận