Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 08/01/2022 15:01
TMO - Israel trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp cho phép nuôi được cá ngay cả trên sa mạc.
Với hơn một nửa diện tích bị sa mạc hóa, không có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nông nghiệp, thế nhưng Israel không những có thể cung cấp đủ cá cho nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu đi nhiều nước khác trên thế giới. Các kỹ sư nông nghiệp đã chế tạo nên những thiết bị cho phép họ có thể nuôi cá ở bất cứ đâu trên Trái đất, kể cả sa mạc khô cằn. Từ đó sản xuất ra tới 20.000 tấn cá mỗi năm với doanh thu 70 triệu USD/năm.
Mô hình nuôi cá trên sa mạc được phát triển tại Israel
Để có nguồn nước cung cấp cho các trang trại cá, các kỹ sư đã khoan sâu vào lòng sa mạc tới 800m (bằng chiều dài 10 sân bóng đá) nhưng lại tìm ra nguồn nước rất ấm và mặn. Tưởng chừng đây là khó khăn khiến các kỹ sư phải từ bỏ việc nuôi cá thì họ lại tìm ra giải pháp mới. Lời giải của bài toán này chính là chuyển sang nuôi cá nước ấm (cá chép, rô phi, trắm cỏ, cá đối đầu dẹp, cá vược...). Nước sẽ được bơm vào các hồ chứa và sẽ được tuần hoàn theo một chu kỳ khép kín.
Các chất thải hay nước sẽ được tái sử dụng lại 99% từ bể cá có thể được tận dụng để làm chất dinh dưỡng cho cây trồng. Hệ thống khép kín này được làm sạch 1 lần/năm để đảm bảo chất lượng nguồn nước và tránh bị bùn bám hay cặn sinh ra.
Với mô hình này thì các yếu tố bất lợi từ thiên nhiên như thời tiết, cá, động vật hoang dã... sẽ được loại bỏ. Ngoài ra, nguy cơ dịch bệnh cũng được hạn chế tối đa vì các bể cá hoàn toàn độc lập với nhau.
Chính phủ Israel dành sự quan tâm đặc biệt cho các dự án thuộc ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. 24% tổng số tiền hỗ trợ từ chính phủ dành cho các dự án này. Những doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cũng được miễn mọi loại thuế nhập khẩu. Với khối óc thông minh và những cơ chế hỗ trợ hiệu quả, dù chỉ có 1,7% người dân làm nông nghiệp nhưng quốc gia này lại xuất khẩu tới trên dưới 3,5 tỷ USD nông sản hằng năm.
Ngọc Linh
Bình luận