Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 27/06/2023 20:06
TMO - Sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, khai thác quá mức các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích tự nhiên trên cạn, vùng ngập nước và vùng biển bị thu hẹp, một số loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng… gây ra tình trạng suy thoái hệ sinh thái, mất cân bằng đa dạng sinh học. Do đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang đứng trước nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nhiều thời gian và nguồn lực lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biển và giá trị ĐDSH nhằm nỗ lực hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất cho công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam, nhưng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng cho bảo tồn ĐDSH trong việc thực hiện các công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn ở mức độ cơ bản nhất. Do đó, cần phải có một cơ chế tài chính mới, chính sách mới để thu hút được các nguồn lực ngoài bổ sung cho những thiếu hụt đó về lâu dài và bền vững hơn bằng cách xây dựng một cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn ĐDSH hay các cơ chế mới trong hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích, đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho ĐDSH.
Cần huy động sức mạnh cộng đồng cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để thu hút đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cho công tác bảo tồn ĐDSH, cần có các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ ĐDSH, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về DDSH như Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, Quỹ cứu trợ loài... Cần phát huy giá trị từ các khối doanh nghiệp, các hộ gia đình kinh doanh và đóng góp từ người dân Việt Nam; Mở rộng các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái để có thể thu hút và huy động hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, loại hình chi trả dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam bước đầu đã được áp dụng thành công đối với hệ sinh thái rừng. Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đã hình thành việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giúp đóng góp vào nguồn lực phi ngân sách cho ngành Lâm nghiệp, gia tăng nguồn thu cho rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả bảo vệ cũng như phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Vì vậy, trong việc bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH, cần mở rộng hình thức chi trả này cho các dịch hệ sinh thái khác để tạo nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và các loài hoang dã nhằm bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp mà hiện nay ngân sách vẫn chưa thể đầu tư được.
Để hoạt động bảo tồn ĐDSH bền vững, việc xây dựng chiến lược và lộ trình cho việc huy động nguồn lực trong giai đoạn mới cần chú trọng vào chính sách tài chính cũng như đặt ra các định hướng rõ ràng trong các hoạt động quản lý, điều phối; Các nguồn xã hội hóa cần được vận động để hỗ trợ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, các loài. Đồng thời, nhằm bổ trợ nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác bảo tồn ĐDSH, nên việc xây dựng kế hoạch thực hiện, huy động nguồn lực cũng cần phải được ưu tiên cho giai đoạn 2022-2025.
Căn cứ vào chiến lược, thiết lập các hình thức huy động nguồn lực mới, linh hoạt và thông minh từ các nguồn xã hội hóa thông qua đóng góp từ doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và người dân với cơ chế sử dụng hiệu quả và minh bạch. Ngoài ra, dựa trên những thành công của chi trả dịch vụ môi trường rừng, cần thúc đẩy và mở rộng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái khác như nước công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản và hấp thụ và lưu trữ các-bon.
Chia sẻ các sáng kiến xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường từ kinh nghiệm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, thời gian qua, VACNE đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và các sản phẩm sinh thái thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe cộng đồng; các chuyến đạp xe truyền thông môi trường cho mọi lứa tuổi. VACNE cũng chủ động xuất bản các ấn phẩm quan trọng về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững; liên tục tổ chức loạt các hội thảo khoa học có chọn lọc về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nổi bật là sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, sự kiện được triển khai từ năm 2010, đây là sáng kiến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường quan trọng nhất của VACNE góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt, góp phần cải thiện đời sống người dân; mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - người dành nhiều tâm huyết trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch VACNE kiến nghị cần tăng cường phối hợp, chú trọng cách tiếp cận huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần cụ thể hóa thông tin cần thiết cho từng đối tượng, từng công việc; san sẻ nhiều hơn các dịch vụ công cho cộng đồng về bảo vệ môi trường; tiến tới có các quy định cụ thể trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
PHẠM DUNG
Bình luận