Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ bảy, 24/12/2022 04:12
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản số 2917/STNMT-BVMT hướng dẫn thực hiện các thủ tục về môi trường đối với các dự án.
Theo đó, đối với đánh giá sơ bộ tác động môi trường, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật BVMT năm 2020 và được quy định chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
Các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao hay còn gọi là Dự án đầu tư nhóm I cần phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường như: Dự án thuộc loại sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; Dự án thực hiện dịch vụ chất thải nguy hại; Dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất; Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất có quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn;...
Dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật BVMT năm 2020, thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng. Nội dung của đánh giá sơ bộ tác động môi trường thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật BVMT năm 2020. Thẩm định và thẩm quyền thẩm định thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật BVMT năm 2020.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, đối tượng phải thực hiện bao gồm: Dự án đầu tư Nhóm I (được quy định chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ). Hướng dẫn cũng lưu ý, các dự án phải lập báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Dự án đầu tư nhóm II (Quy định cụ thể tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trừ các dự án quy định tại mục I Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Đối với các dự án có sử dụng đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng, thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thời điểm thực hiện đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Thẩm định và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt được thực hiện theo quy định tại Điều 34, Điều 35 Luật BVMT năm 2020.
Về giấy phép môi trường, đối tượng phải thực hiện, bao gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật BVMT năm 2020.
Thời điểm thực hiện được thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật BVMT năm 2020. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 28 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Thẩm định và thẩm quyền thẩm định. Được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật BVMT năm 2020.
Đối với nội dung đăng ký môi trường, theo quy định tại Điều 49 Luật BVMT năm 2020, đối tượng thực hiện, bao gồm: Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Hướng dẫn trên cũng lưu ý, đối tượng được miễn đăng ký môi trường gồm: Dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh; Dự án đầu tư khi đi vào vận hành không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; Đối tượng khác và đối tượng được miễn đăng ký môi trường quy định tại Điều 32 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Thời điểm thực hiện, được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 49 Luật BVMT năm 2020. Theo quy định tại khoản 7 Điều 49 Luật BVMT năm 2020, UBND cấp xã tiếp nhận đăng ký môi trường và cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
Nghĩa Hoàng
Bình luận