Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ sáu, 14/07/2023 07:07
TMO - UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, thị trường Nhật Bản rất khắt khe về các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và hoa quả nhập khẩu. Nếu thâm nhập thành công sang thị trường Nhật Bản sẽ tạo uy tín lớn cho sản phẩm nông sản của tỉnh Hưng Yên, có tác động lan tỏa mở rộng sang các thị trường quốc tế khác.
Tỉnh Hưng Yên hiện có 5.000ha trồng nhãn; trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha. Diện tích nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích tại 81 cơ sở, vùng sản xuất nhãn trên toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc địa bàn thành phố Hưng Yên với diện tích là 27,2ha, sản lượng ước tính 350 tấn/năm đã đáp ứng theo quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng (TTCS 774:2020/BVTV).
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên khẳng định, Thị trường Nhật Bản rất khắt khe về các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và hoa quả nhập khẩu. Nếu thâm nhập thành công sang thị trường Nhật Bản sẽ tạo uy tín lớn cho sản phẩm nông sản của tỉnh Hưng Yên, có tác động lan tỏa mở rộng sang các thị trường quốc tế khác. Do vậy, tỉnh Hưng Yên xác định nhãn lồng Hưng Yên đã thâm nhập được 1 số thị trường quốc tế quan trọng như Mỹ, Australia thì cần thiết phải chinh phục được thị trường Nhật Bản để mở rộng cơ hội chinh phục thị trường thế giới.
Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
Để chuẩn bị cho mục tiêu này, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá và cơ cấu lại các giống nhãn, vùng trồng nhãn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án xúc tiến thương mại xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2021-2025; xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản vừa đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, thương nhân có uy tín xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản để sớm giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên với người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản, nhãn tươi của Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu được sản xuất tại Việt Nam, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không; các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp,… Nhãn là loại trái cây thứ 4 được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản sau các loại quả thanh long, xoài Cát Chu và vải. Theo yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản, nhãn tươi của Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu sau: Quả nhãn tươi được sản xuất tại Việt Nam, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không.
Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp, đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật sau khi đã được kiểm tra kiểm dịch của Cơ quan bảo vệ thực vật. Trong đó, phần khai báo bổ sung nêu rõ không có ruồi đục quả Bactrocera dorsalis và những lô hàng này đã được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày.
Bên cạnh đó, vật liệu đóng gói, cơ sở xử lý lạnh phải đảm bảo không có rủi ro nhiễm ruồi đục quả quả Bactrocera dorsalis. Các lô hàng quả nhãn xuất khẩu sau khi xử lý lạnh cần niêm phong bởi Cục Bảo vệ thực vật. Quá trình kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, quy trình xử lý, niêm phong, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng nhãn tươi xuất khẩu tại các cơ sở xử lý được giám sát, xác minh bởi các cán bộ kiểm dịch thực vật của Nhật Bản và Việt Nam.
Địa phương này tập trung kiểm soát chất lượng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong đó có Nhật Bản với những quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nông sản này.
Cùng với các diện tích trồng rau màu, cây ăn quả các loại, hiện nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu); 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Để góp phần phát triển các vùng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều đề án, dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự án đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025; đề án bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung giai đoạn 2020 - 2025… để từ đó sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu và an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thu mua chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả.
Thu Hương
Bình luận