Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 09:11
Thứ tư, 20/03/2024 11:03
TMO - Năm 2023, thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gây ra nhiều thiệt hại tới tài sản của người dân và hạ tầng cơ sở ở các địa phương. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 129 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại; mưa lớn kèm giông lốc xoáy; mưa lũ gây sạt lở, thiệt hại trên địa bàn các huyện, thành phố, làm 01 người chết do lũ cuốn trôi; thiệt hại 55 nhà, 03 điểm trường; thiệt hại khoảng 743 ha canh tác, làm 22 con gia súc, 330 con gia cầm bị chết. Một số công trình, tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ lớn…Ước tính giá trị thiệt hại trên 129 tỷ đồng.
Trong năm 2023, thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại...
Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong năm 2023.
Năm 2023, tỉnh đã phân bổ kinh phí 60 tỷ đồng cho 6 công trình khắc phục hậu quả thiên tai. Các ngành, địa phương đã dự trữ vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai gồm: hơn 10 nghìn chiếc phao cứu sinh các loại, nhà bạt các loại 234 chiếc; phương tiện - xe cứu hộ 16 chiếc; tàu, xuồng, thuyền tìm kiếm cứu nạn 43 chiếc; xe ô tô các loại 106 chiếc và một số phương tiện, vật tư chuyên dùng khác...
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong năm 2024, Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp. Tiếp tục rà soát, xác định chính xác các khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tổng hợp tình hình và đề xuất UBND tỉnh các biện pháp đối phó khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng thiên tai, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và tạo nguồn sinh kế bền vững...
Hồng Hạnh
Bình luận