Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 25/10/2024 15:10
TMO - Tính đến sáng 25/10, hàng nghìn tàu thuyền của các địa phương vùng biển như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị…đã vào bờ để tránh, trú bão Trà Mi (bão số 6).
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng số tàu cá của địa phương này là 1.884 phương tiện với 10.685 lao động; hiện tại tất cả tàu cá của tỉnh đã vào bờ để tránh, trú bão Trà Mi. Tàu hàng đang neo đậu các khu cảng của Thừa Thiên Huế là 20 phương tiện với 166 thuyền viên và 1.999 tấn hàng.
Trong đó, cảng Thuận An (TP Huế) có 1 tàu hàng chở 1.999 tấn bã điều cùng 9 thuyền viên. Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) có 19 tàu hàng neo đậu (17 tàu Việt Nam và 2 tàu nước ngoài) với 157 thuyền viên (114 Việt Nam và 43 người nước ngoài) nhưng không có hàng hoá.
Tại tỉnh Quảng Trị, tính đến 17 giờ ngày 24/10, đã có 2.614 tàu thuyền với 6.152 thuyền viên của tỉnh Quảng Trị đánh bắt ở biển vào bờ neo đậu tránh bão số 6. Trong đó có 2.609 chiếc/6.102 thuyền viên vào neo đậu tại các bến Quảng Trị, số còn lại neo đậu ở các địa phương khác.
Tàu thuyền của ngư dân đã vào bờ neo đậu, tránh bão an toàn. (Ảnh minh hoạ: DQ).
Trước đó, ngày 23/10, Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đã ban hành công điện về việc ứng phó với bão Trà Mi gần biển Đông. Công điện yêu cầu các huyện ven biển và đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị theo dõi và thông báo kịp thời đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến bão.
Tại TP.Đà Nẵng, trước những diễn biến phức tạp của bão Trà Mi, nhiều ngư dân đã khẩn trương đưa tàu thuyền về neo đậu tại Đà Nẵng để tránh bão. Để ứng phó với bão, ngày 24/10 chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành công điện, đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng khẩn trương thông báo cho toàn bộ tàu thuyền trên biển về vị trí và hướng di chuyển của bão. Đồng thời tổ chức kiểm đếm, giữ liên lạc và quản lý chặt chẽ các phương tiện còn hoạt động. Các tàu cá được yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm để tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra khi bão đổ bộ.
Bên cạnh đó, UBND các địa phương vùng biển cần tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến của bão mưa lũ; rà soát các kịch bản, phương án ứng phó thiên tai, phương án sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; phương án đảm bảo lương thực, bố trí lực lượng, phương tiện cứu nạn khi có yêu cầu.
Bùi Tuấn
Bình luận