Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 10:11
Chủ nhật, 03/12/2023 20:12
TMO – Giai đoạn 2021-2030, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng tập trung phát triển ngành công nghiệp - xây dựng chiếm, ngành dịch vụ, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, đồng thời phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 558 triệu đồng (tương đương khoảng 21.700 USD).
Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt) đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Hải Phòng phấn đấu GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD. Ảnh: THANH BÌNH
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm. Tỷ trọng đóng góp GRDP của TP. Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm;
Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thống kê trong năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hải Phòng ước tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2022 tăng từ 13%), đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn thành phố.
Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó ngành công nghiệp tăng 16,30% so với cùng kỳ, đóng góp 7,96 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành xây dựng tăng 8,40% so với cùng kỳ, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ ước tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 3,32 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 9,57% so với cùng kỳ, đóng góp 0,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Cơ cấu nền kinh tế năm 2022 chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 3,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,68%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,98%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,73%.
Trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi, không có diện tích bị thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp được chú trọng triển khai thực hiện trên địa bàn. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố năm 2022 ước đạt 77.154,1 ha, bằng 98,84% so với năm 2021. Diện tích canh tác cây trồng tiếp tục có xu hướng giảm do sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp, việc thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng hạn chế sức sản xuất trong dân và nhu cầu mở rộng diện tích gieo trồng. Diện tích trồng lúa cả năm 2022 ước đạt 56.847,9 ha, bằng 98,52% so với năm trước. Năng suất lúa cả năm 2022 toàn thành phố ước đạt 64,33 tạ/ha, bằng 100,14% so với năm trước.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước đạt 11.683,9 ha, tăng 1,46% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 76.766,6 tấn, tăng 1,79%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,6%, đóng góp 14,87 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,35%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 20,3% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,67%, tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
THANH BÌNH
Bình luận