Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/04/2025 19:04
Thứ sáu, 25/04/2025 12:04
TMO - Tỉnh Hải Dương sẽ đóng cửa 49 bãi chôn lấp rác sinh hoạt đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.297 tấn chất thải rắn/ngày đêm. Khoảng 675 tấn (chiếm 52%) vẫn đang được chôn lấp tại các bãi rác. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tốn kém trong xử lý, thậm chí là việc đốt rác diễn ra ở nhiều bãi chôn lấp khiến người dân rất bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh có tổng số 661 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, trong đó đã đóng cửa hoặc dừng hoạt động 256 bãi, còn lại 405 bãi đang hoạt động. Trong 405 bãi đang hoạt động thì có 49 bãi ở các địa phương trên có tỷ lệ lấp đầy khoảng 95 - 100%, không còn khả năng lưu chứa tiếp; 173 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy 70% đến dưới 95%, vẫn còn khả năng lưu chứa nhưng khối lượng không nhiều; 183 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy dưới 70%, vẫn còn khả năng tiếp nhận.
Tỉnh Hải Dương yêu cầu đóng cửa 49 bãi chôn lấp rác sinh hoạt đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa yêu cầu UBND các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang và TP.Chí Linh, thị xã Kinh Môn chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đóng cửa đối với 49 bãi chôn lấp rác đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận, các bãi chôn lấp đã dừng hoạt động bảo đảm đúng quy định.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan lập phương án đóng cửa, xử lý các bãi chôn lấp đã dừng hoạt động trên địa bàn quản lý. Trong đó, tập trung lập dự án xử lý ngay các bãi chôn lấp nằm trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông và các công trình xây dựng khác. Hướng dẫn UBND cấp xã hoặc chủ đầu tư (hoặc cơ sở quản lý) bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đóng cửa bãi chôn lấp theo hướng dẫn tại điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, thời gian qua, công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt một số kết quả nhất định và mang lại hiệu quả thiết thực. Hạ tầng bảo vệ môi trường một số khu vực từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Một số mô hình thu gom rác thải và phân loại rác thải tại nguồn được triển khai và bước đầu đạt kết quả tốt.
Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án thu gom xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý đều ở mức cao. Cụ thể, khu vực đô thị TP Hải Dương đạt khoảng 96%, khu vực đô thị khác đạt khoảng 88-93% (trong đó 57,9% địa bàn đô thị được xử lý tại nhà máy xử lý rác thải, còn lại bằng phương pháp chôn lấp). Khu vực nông thôn đạt khoảng 87% (trong đó 46% số xã được xử lý tại nhà máy xử lý rác thải, còn lại chôn lấp).
Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về quản lý chất thải sinh hoạt có việc chưa thường xuyên. Nhận thức của tổ chức, công dân tuy được nâng lên nhưng chưa hình thành thói quen, tỷ lệ số hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn thấp. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở một số nơi chưa tốt; các điểm tập kết, trạm trung chuyển, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Địa phương này tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: NH.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhất là thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải trong từng người dân và hộ gia đình, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị.
Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó quan tâm việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn đảng bộ, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án thu gom xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Triển khai các biện pháp xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chấp hành các quy định của Nhà nước; từng bước áp dụng các biện pháp xử lý, chế tài đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Quan tâm đầu tư các điểm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải.
Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất cao, phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương trong khi chờ xây dựng nhà máy xử lý; xây dựng phương án xử lý, đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đã dừng hoạt động.../.
Lê Sơn
Bình luận